Các khu công nghiệp VSIP là biểu tượng cho quan hệ kinh tế Việt Nam – Singapore. Ảnh: Quang Tuấn |
CMCN 4.0 mở ra không gian hợp tác mới
Theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam và Singapore dành ưu tiên lớn cho tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trên cơ sở nhu cầu và phát huy thế mạnh của mỗi nước.
Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, Singapore hiện đứng thứ 3/130 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 2.169 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt trên 47,9 tỷ USD. Singapore đã đầu tư vào 18/21 ngành của Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ nhất với 574 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 20,17 tỷ USD.
Về thương mại, trong những năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore trải qua nhiều chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng kim ngạch bình quân khoảng 4,13% trong giai đoạn 2010 - 2017. Kim ngạch thương mại song phương đạt gần 8,3 tỷ USD trong năm 2017, tăng 15% so với năm 2016. Tính đến hết tháng 8/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 5,43 tỷ USD.
Hai bên còn hợp tác trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, công nghiệp, giao thông vận tải, hợp tác trong một số khuôn khổ đa phương và khu vực…
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, CMCN 4.0 đang đem lại rất nhiều cơ hội và thách thức, Việt Nam ưu tiên phát triển nền kinh tế theo hướng số hóa với các mũi nhọn quốc gia như công nghệ thông tin (CNTT), đô thị thông minh, logistics, các dự án khởi nghiệp sáng tạo, phát triển hạ tầng, năng lượng, dịch vụ chất lượng cao, thương mại điện tử… Tất cả những nhân tố trên sẽ mở ra không gian mới cho các tập đoàn quốc tế mở rộng hợp tác, đầu tư vào Việt Nam.
Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 14 về Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore, song song với thúc đẩy hợp tác trên 6 lĩnh vực đã đề ra tại Hiệp định Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore, hai bên đã trao đổi, đề xuất và thống nhất một số nội dung hợp tác tiềm năng mới như CMCN 4.0 và kết nối các thành phố thông minh.
Trong các cuộc làm việc trước Hội nghị, ST Engineering (STE), một trong những công ty lớn nhất niêm yết tại sàn chứng khoán Singapore, lớn nhất châu Á về công nghệ - quốc phòng, đã thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực công nghệ thành phố thông minh. Không ít doanh nghiệp mong muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam ở những lĩnh vực công nghệ cao mà Singapore có thế mạnh.
Cơ hội từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia
Tại "Toạ đàm giới thiệu về Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và kêu gọi đầu tư vào các dự án đổi mới sáng tạo từ CMCN 4.0", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các khu công nghiệp VSIP đã là biểu tượng cho quan hệ kinh tế Việt Nam - Singapore, và NIC có thể trở thành một biểu tượng mới trong thời đại CMCN 4.0.
Giới thiệu tới các doanh nghiệp Singapore, Bộ KH&ĐT cho biết, NIC không chỉ là không gian làm việc với những ưu đãi về chi phí, mà quan trọng hơn, các doanh nghiệp sẽ được hưởng một môi trường thể chế vượt trội với các điều kiện kinh doanh đơn giản nhất và được thí điểm kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phát triển từ NIC trong 3 năm trước khi phải xin các giấy phép kinh doanh chính thức. NIC sẽ tạo nên một cộng đồng đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp hoạt động tại NIC sẽ được hỗ trợ kết nối với nguồn nhân lực chất lượng cao, với các nhà cung cấp và thị trường trong nước, quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để hoàn thiện mô hình NIC, cần sự tham gia của các đơn vị cung cấp dịch vụ ươm tạo startup, các công ty công nghệ, các quỹ đầu tư mạo hiểm... Vì thế, các doanh nghiệp có thể tìm thấy cơ hội trong việc cung cấp các dịch vụ ươm tạo startup, đào tạo công nghệ và kinh doanh, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, cho thuê trang thiết bị nghiên cứu và hậu cần… Theo Bộ trưởng, sau khi NIC hoạt động ổn định, Việt Nam sẽ tiếp tục thành lập các trung tâm khác và sẽ có thêm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cho các doanh nghiệp Singapore. Đây là một cơ hội lớn để Việt Nam và Singapore hợp tác cùng phát triển các ngành công nghệ hiện đại.
Nhiều doanh nghiệp Singapore ngay tại Tọa đàm đã thể hiện sự quan tâm, đánh giá rất cao mô hình NIC, cho rằng NIC sẽ là biểu tượng về đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Ông Douglas Foo, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Singapore (SMF) cho biết, SMF sẽ là cầu nối thu hút các công ty đa quốc gia thành lập các nhà máy tại các khu công nghệ cao ở Việt Nam và chuyển giao công nghệ tri thức cho NIC. Đồng thời, kết nối Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Việt Nam với các trung tâm đổi mới sáng tạo của Singapore và các hiệp hội, đối tác kinh doanh toàn cầu. SMF cũng sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp thuộc NIC.