Sai phạm trong đấu thầu ở một số địa phương: Có hay không sự bao che, dung túng?

(BĐT) - Thời gian qua, nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm, sai phạm về đấu thầu ở địa phương đã được báo chí phát hiện và kịp thời phản ánh. Tuy nhiên, không ít địa phương hoặc là “ngó lơ”, hoặc là giải quyết chiếu lệ nên các vi phạm vẫn không được xử lý đến nơi đến chốn, gây mất niềm tin nơi nhà thầu.
Thành phố Hạ Long là địa phương làm thinh trước các vấn đề Báo Đấu thầu đặt ra liên quan đến hai gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm gói thầu không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Ảnh: Đỗ Giang
Thành phố Hạ Long là địa phương làm thinh trước các vấn đề Báo Đấu thầu đặt ra liên quan đến hai gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm gói thầu không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Ảnh: Đỗ Giang

Nhiều vụ việc, ít xử lý

Báo Đấu thầu đã phản ánh không ít các vụ việc đấu thầu nổi cộm ở nhiều địa phương như Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Long An… liên quan đến các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở nhà thầu mua hồ sơ mời thầu (HSMT), loại nhà thầu thiếu công bằng và không minh bạch. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, hầu hết các sự việc đều nằm trong tình trạng “chìm xuồng”, hoặc không có một động thái nào vào cuộc xử lý, có chăng chỉ nhắc nhở và yêu cầu báo cáo một cách chiếu lệ.

Theo Điều 73 Luật Đấu thầu 2013, người có thẩm quyền có trách nhiệm xử lý vi phạm về đấu thầu. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở địa phương cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thực tiễn công tác đấu thầu trên địa bàn mình quản lý. UBND các cấp cũng có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu (Điều 84 Luật Đấu thầu). Pháp luật về đấu thầu đã có những quy định tương đối cụ thể và chi tiết về trách nhiệm của mỗi cơ quan liên quan về đấu thầu ở địa phương. Thế nhưng, rất nhiều vụ việc dù khiến dư luận “dậy sóng” nhưng các cấp quản lý ở địa phương vẫn “bình chân như vại” hoặc là “nhắc nhở”, xử lý gọi là có.

Điển hình cho câu chuyện này là việc gần 100 gói thầu của TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định, trong thời gian mời thầu 2 gói thầu hàng nghìn tỷ đồng nhưng trên hiện trường mời thầu, việc thi công các hạng mục công trình đã diễn ra rầm rộ. Sau khi Báo Đấu thầu đăng loạt bài viết phản ánh cũng như gửi công văn tới các cơ quan tỉnh Quảng Ninh thì sự việc vẫn “bặt vô âm tín”. Phóng viên Báo Đấu thầu đã nỗ lực “gõ cửa” từng cơ quan liên quan nhưng câu trả lời quen thuộc được nghe là “cái này phân cấp cho TP. Hạ Long nên Thành phố phải chịu trách nhiệm”; “công trình sử dụng ngân sách địa phương nên chúng tôi không quản lý…”. Và theo sát nhiều diễn biến vụ việc đấu thầu nhưng cả năm 2017, Báo Đấu thầu vẫn chưa nhận được thông tin về một chủ đầu tư/bên mời thầu nào bị xử lý vì sai phạm trong đấu thầu.  

Đằng sau việc “ngó lơ” với sai phạm trong đấu thầu

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, mặc dù quy định của pháp luật về đấu thầu đã có những chế tài rất đầy đủ, quy định chi tiết trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động đấu thầu, tuy nhiên trên thực tế, mức xử phạt cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các bên mời thầu, chủ đầu tư có hành vi vi phạm vẫn là chuyện vô cùng hãn hữu. Đây cũng chính là lý do giải thích cho việc vì sao nhiều bên mời thầu, chủ đầu tư dù biết rõ nhưng vẫn ngang nhiên phạm luật, thậm chí có biểu hiện “nhờn luật”.

Từ thực trạng nêu trên có thể thấy, các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp có liên quan không thực sự nghiêm minh trong việc xử lý các vi phạm, không phản ánh đúng mức độ vi phạm của các chủ đầu tư, bên mời thầu; trong xử lý các vụ việc vi phạm còn nể nang, ngại va chạm, thậm chí có sự dung túng, bao che. Thực trạng này khiến dư luận hết sức quan ngại về tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh cũng như đặt những dấu hỏi lớn về “lợi ích nhóm” trong hoạt động đấu thầu.

Còn theo TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), trên thực tế đã xảy ra việc nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu thầu không tôn trọng quy định của pháp luật, cố ý làm sai, làm trái nhưng người có trách nhiệm xử lý lại không xử lý. “Chúng ta cần hiểu đầy đủ rằng, pháp luật trao quyền xử lý cho anh nhưng anh không xử lý hoặc xử lý không đúng mức thì anh cũng sai”, TS. Nguyễn Việt Hùng phân tích. 

Một khi hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu (trước, trong và sau đấu thầu) xuất hiện hoặc được đăng tải trên Báo Đấu thầu  mà vẫn không được xử lý nghiêm để răn đe thì có thể hiểu rằng người có trách nhiệm xử lý đã bỏ qua trách nhiệm của mình. Và chừng nào chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các cá nhân, cơ quan có trách nhiệm xử lý các vi phạm thì các vi phạm vẫn có “đất sống”. Điều này làm chạnh lòng những người có tâm huyết với công tác đấu thầu và tất cả sự nỗ lực về mặt chính sách cũng chỉ dừng lại trên giấy.    

Tin cùng chuyên mục