Một cửa hàng Samsung tại Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: Nikkei. |
Hãng điện tử Samsung Electronics sẽ đóng cửa nốt nhà máy sản xuất điện thoại tại thành phố Huệ Châu, Trung Quốc trong năm nay. Động thái này theo sau việc đóng cửa một nhà máy di động thông minh (smartphone) của Samsung tại Thiên Tân vào cuối năm ngoái, tờ Nikkei dẫn nguồn tin thân cận tại Samsung cho biết.
Từ cuối tháng 9, hãng này đã dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Huệ Châu và đang làm việc để đóng cửa hoàn toàn.
Theo các nhà phân tích, dù cho biết sẽ tiếp tục bán điện thoại tại Trung Quốc và tiến hành hoạt động thuê ngoài đối với các doanh nghiệp nước này, việc ngừng sản xuất tại đây sẽ làm giảm sự hiện diện của Samsung tại Trung Quốc. Hiện tại, thị phần tại Trung Quốc của Samsung đã giảm xuống dưới 1%. Trong khi thị phần smartphone trên toàn cầu đang sụt giảm và nhu cầu đối với con chíp - mảng kinh doanh chủ chốt khác của Samsung cũng đang đi xuống, công ty Hàn Quốc đang phải tìm các phương án mới để xoay chuyển tình thế.
Điện thoại Samsung từng được xem là "vua" tại Trung Quốc với thị phần lên tới 19% vào năm 2013 - năm cuối cùng hãng này dẫn đầu về thị phần tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới.
"Cho đến khi Xiaomi xuất hiện trên thị trường vào khoảng năm 2012, cái tên Samsung được xem như đồng nghĩa với smartphone tại Trung Quốc", một người ngoài 30 tuổi tại Bắc Kinh nói và cho biết thêm rằng điện thoại Samsung khi đó là thứ mà "ai cũng muốn khoe ra".
6 năm sau đó, hãng điện tử Hàn Quốc thậm chí không có mặt trong top 10 về thị phần smartphone tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, dù vẫn có quy mô khổng lồ với doanh số gần 400 triệu điện thoại mỗi năm, thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu bão hòa. Doanh số bán smartphone tại thị trường này đã giảm trong năm 2017 và 2018, thúc đẩy sự phân cực của thị trường với việc người tiêu dùng hoặc hướng tới những dòng sản phẩm đắt tiền, nhiều tính năng hoặc những lựa chọn rẻ tiền nhất.
Nhiều nhà quan sát ngành cho rằng Samsung đã không nắm bắt được sự chuyển đổi nhanh chóng trong nhu cầu của người tiêu dùng và không đi sâu vào một hướng nào của thị trường này. Đó là lý do công ty này bị bỏ lại phía sau.
Vào cuối những năm 2000, Samsung bắt đầu chuyển dây chuyền lắp ráp smartphone của mình sang Việt Nam trong bối cảnh chi phí lao động tại Trung Quốc tăng. Công ty này hiện có khoảng 200.000 nhân viên tại Việt Nam. Khoảng một nửa trong số gần 292 triệu điện thoại bán ra của Samsung mỗi năm được sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam.
Samsung cũng có cơ sở sản xuất smartphone tại Ấn Độ, thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới. Công ty này sản xuất các dòng điện thoại cao cấp ở Hàn Quốc, dòng sản phẩm tầm trung ở Ấn Độ và đa dạng các dòng sản phẩm tại Việt Nam.
Theo các nhà phân tích, dù đặt nhiều hy vọng vào thị trường Ấn Độ, nhưng Samsung đã phải nhường lại vị trí dẫn đầu cho Xiaomi vào năm ngoái và đang phải đối mặt với gay gắt từ các thương hiệu smartphone nội địa giá rẻ. Nhiều nhà phân tích cho rằng tình hình tương tự với Trung Quốc tại Ấn Độ khiến triển vọng của Samsung không mấy khả quan.
Những khó khăn tại hai thị trường đông dân nhất thế giới đã khiến vị thế trên toàn cầu của Samsung bị lung lay. Thị phần trên toàn cầu của hãng này đã giảm 0,9 điểm phần trăm xuống còn 20,8% vào năm ngoái và thu hẹp khoảng cách với công ty ở vị trí thứ hai - Apple - xuống còn 5,9 điểm (từ 7 điểm vào năm 2017). Tổng doanh số smartphone trên toàn cầu của Samsung giảm 8%.
Công ty Hàn Quốc từng kỳ vọng sẽ lật ngược tình thế với việc ra mắt điện thoại màn hình gập Galaxy Fold. Tuy nhiên, các lỗi về màn hình đã khiến Samsung phải hoãn ra mắt dòng sản phẩm mới này thêm nửa năm và hiện lượng sản xuất vẫn còn hạn chế.