Sản lượng của các nhà máy ở châu Á sụt giảm do nhu cầu suy yếu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Reuters, dữ liệu chỉ số PMI mới đây cho thấy hoạt động của các nhà máy ở châu Á sụt giảm trong tháng 6, chủ yếu do nhu cầu ở Trung Quốc và các quốc gia lớn khác đang chậm lại.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Reuters nhận định, sự phục hồi yếu hơn dự kiến ​​của Trung Quốc sau các đợt phong tỏa do dịch Covid-19 đang gây ra những thiệt hại cho các nền kinh tế tại châu Á. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất tại châu Á cũng đang phải chịu những hậu quả từ các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu.

"Điều tồi tệ nhất có thể đã qua đối với các nhà máy ở châu Á, nhưng hoạt động sản xuất vẫn đang thiếu động lực tăng trưởng do triển vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang giảm dần", Toru Nishihama, Nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết.

Theo ông Toru Nishihama, Trung Quốc đang chậm trễ trong việc cung cấp các biện pháp để kích thích nền kinh tế. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ cũng đang cảm nhận được tác động tiêu cực từ đợt tăng lãi suất mạnh nhất từ trước đến nay. Tất cả những yếu tố này đều khiến các nhà sản xuất khu vực châu Á có triển vọng phát triển ảm đạm.

Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) Caixin của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm xuống 50,5 điểm, từ mức 50,9 của tháng 5. Chỉ số này cho thấy hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc tiếp tục sụt giảm, thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mất đà tăng trưởng trong quý II.

Tác động của việc nền kinh tế Trung Quốc mất đà được cảm nhận rõ ở Nhật Bản, khi chỉ số PMI sản xuất do Ngân hàng au Jibun tổng hợp đã giảm xuống 49,8 điểm trong tháng 6, quay trở lại mức "thu hẹp" (dưới 50 điểm) sau khi đạt 50,8 điểm trong tháng 5.

Chỉ số PMI của Nhật Bản cho thấy các đơn đặt hàng mới từ khách hàng nước ngoài đã giảm trong tháng 6 với tốc độ nhanh nhất trong 4 tháng qua do nhu cầu yếu tại Trung Quốc.

Chỉ số PMI của Hàn Quốc cũng đã giảm xuống mức 47,8 điểm trong tháng 6, từ mức 48,4 điểm của tháng 5, kéo dài chu kỳ thu hẹp hoạt động sản xuất tháng thứ 12 liên tiếp do nhu cầu yếu ở châu Á và châu Âu.

Châu Á phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, nền kinh tế nước này đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng trong quý I/2023 nhưng sau đó không đạt được sự phục hồi như kỳ vọng.

Trong dự báo đưa ra vào tháng 5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kỳ vọng, nền kinh tế khu vực châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay sau khi đã tăng 3,8% trong năm 2022, đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế châu Á trong năm 2024 xuống còn 4,4% và cảnh báo những rủi ro đối với triển vọng kinh tế khu vực châu Á như lạm phát cao hơn dự kiến và nhu cầu toàn cầu đang chậm lại.

Tin cùng chuyên mục