Sản xuất công nghiệp trên đà hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sản xuất công nghiệp tháng 10 khởi sắc khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Bộ Công Thương cho rằng, nếu dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, các biện pháp hỗ trợ được triển khai đồng bộ, sản xuất công nghiệp 2 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng cao hơn.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của TP.HCM trong tháng 10 ước tính tăng 23,6% so với tháng 9/2021. Ảnh: Tiên Giang
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của TP.HCM trong tháng 10 ước tính tăng 23,6% so với tháng 9/2021. Ảnh: Tiên Giang

Dấu hiệu tích cực

Bộ Công Thương cho biết, sản xuất công nghiệp đã có những dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước, dù vẫn giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, IIP của ngành chế biến, chế tạo tăng 6,7% so với tháng 9 nhưng giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái; sản xuất và phân phối điện tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,7% so với tháng 9 và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp của TP.HCM phục hồi là điểm sáng trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng vừa được Cục Thống kê TP.HCM công bố. Theo đó, IIP của TP.HCM trong tháng 10 ước tính tăng 23,6% so với tháng 9/2021. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 1,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,2%.

Thông tin về tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương tại TP.HCM cho biết, tính đến ngày 1/11, có 1.324/1.412 DN trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP.HCM đăng ký hoạt động trở lại. Trong đó, 216.000/288.000 lao động trở lại làm việc, tương ứng 88%. Riêng Khu công nghệ cao Thành phố có 88 DN thì đều đã trở lại hoạt động với 145.000 lao động, tương ứng 84% tổng số lao động.

Tại TP. Cần Thơ, tính đến ngày 2/11/2021 có 975 DN (tương ứng 83,48% số DN) đã trở lại hoạt động sản xuất.

Tại nhiều địa phương khác như: Bạc Liêu, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh..., sản xuất công nghiệp đang phục hồi rõ rệt, IIP tháng 10 tăng cao hơn tháng 9 và cùng kỳ năm trước.

Ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến nay, DN sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại bình thường. Nhìn chung, khó khăn, vướng mắc của DN cơ bản được tháo gỡ để vừa sản xuất vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Vương quốc Anh mới đây, ông Nobel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững thuộc Tập đoàn Nike cho biết, đến nay, toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương của Việt Nam đã quay trở lại sản xuất. Tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Khẩn trương tháo gỡ khó khăn

Theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp tháng 10 đã dần hồi phục nhưng tính chung 10 tháng năm 2021 vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Vẫn còn một số địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Một số tỉnh, thành chậm ban hành hướng dẫn gây khó khăn cho DN trong việc phục hồi sản xuất, đặc biệt là các khó khăn về lao động. Việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động của DN đình trệ tác động đến phát triển sản xuất nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung.

Ngoài ra, theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã và đang tác động bất lợi đến việc khôi phục sản xuất kinh doanh của DN, trong đó có DN dệt may. Ông Việt cho biết, do tác động của cuộc khủng hoảng này, giá hầu hết nguyên, nhiên phụ liệu, chi phí logistics đều tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của DN. Bên cạnh đó, DN còn phải chịu gánh nặng chi phí phát sinh phòng chống dịch như chi phí xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, chi phí mua sắm trang thiết bị phòng dịch, thực hiện “3 tại chỗ”...

Đại diện May 10 mong muốn các địa phương có giải pháp hợp lý để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất; mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ bên cạnh những đối tượng đề cập trong Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15; cơ quan chức năng trong phạm vi quản lý cần có giải pháp kiểm soát việc tăng giá quá mức của các loại hàng hóa…

Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cho rằng, trong những tháng cuối năm, cần tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi sản xuất sau dịch, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng hàng hóa và lao động cho sản xuất. Bên cạnh đó, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng cũng như tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng…

Tin cùng chuyên mục