Sàng lọc dự án đầu tư công

(BĐT) - Khoảng 45 - 50% các dự án đầu tư công phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện, trong đó có nhiều dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện… Thực trạng này đặt ra yêu cầu bức thiết nâng cao hiệu quả đầu tư công, trong đó có công tác thẩm định dự án.
Tính khả thi và hiệu quả của dự án đầu tư công trong thẩm định chưa được coi trọng. Ảnh: Nhã Chi
Tính khả thi và hiệu quả của dự án đầu tư công trong thẩm định chưa được coi trọng. Ảnh: Nhã Chi

Đầu tư dàn trải, chồng chéo

Đánh giá về nhu cầu đầu tư của Việt Nam, hầu hết các chuyên gia kinh tế nhận định, trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng ở nước ta rất lớn. Tuy nhiên, việc huy động, bố trí các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Để giải quyết bài toán đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong điều kiện hạn chế về nguồn vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp thì cùng với việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực ở trong và nước ngoài, vấn đề nâng cao công tác thẩm định, lựa chọn bố trí vốn các dự án kết cấu hạ tầng có hiệu quả đang giành được sự quan tâm đặc biệt.

Nhìn lại công tác thẩm định dự án đầu tư công thời gian qua, một số chuyên gia kinh tế thừa nhận, không ít dự án đầu tư chưa hiệu quả, còn chồng chéo, dàn trải dẫn đến lãng phí. Điều này có nguyên nhân rất lớn bắt nguồn từ “bộ lọc” thẩm định còn hạn chế. Giải quyết tồn tại này, Luật Đầu tư công được ban hành, các quy định liên quan đến việc thẩm định, đánh giá dự án đầu tư công đã được quan tâm đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư. Song, sau khoảng hơn 1 năm triển khai Luật Đầu tư công, trên thực tế, khi thực hiện thẩm định, đánh giá lựa chọn dự án đầu tư công vẫn nổi lên một số hạn chế.

“Bộ lọc” chưa hiệu quả

Trao đổi về hiệu quả công tác thẩm định dự án đầu tư công, tại Hội thảo khoa học Phương pháp luận về thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tổ chức mới đây, ông Tăng Ngọc Tráng, Phó Vụ trưởng Vụ giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra: “Nhiều dự án đầu tư công phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện (45-50%), trong đó có nhiều dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư quá lớn làm giảm hiệu quả đầu tư công hoặc không còn hiệu quả. Tình trạng đầu tư các dự án chậm tiến độ vẫn còn phổ biến. Chất lượng công tác thẩm định mặc dù đã được cải thiện, song còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu là bộ lọc nhằm sàng lọc, loại bỏ những dự án không khả thi, không hiệu quả”.

Chất lượng công tác thẩm định mặc dù đã được cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu là “bộ lọc” nhằm  loại bỏ những dự án không khả thi, không hiệu quả
Ông Tráng thông tin thêm: “Một số dự án đầu tư công trong quá trình thẩm định và phê duyệt điều chỉnh chưa chú trọng đầy đủ đến việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội. Một số dự án đầu tư công có quy mô nhỏ mới chỉ tập trung thẩm định về chi phí để thực hiện dự án, phần lớn lợi ích của dự án mang lại mới chỉ phân tích ở mức định tính mà chưa định lượng”.

Đồng quan điểm này, chia sẻ với Báo Đấu thầu, một đại diện Ban Kinh tế Trung ương có kinh nghiệm lâu năm trong công tác thẩm định dự án đầu tư công cho hay: “Đúng là công tác thẩm định dự án đầu tư xây dựng vẫn chưa được hình thành theo một hệ thống thống nhất. Nội dung thẩm định vẫn còn nặng về xem xét, đánh giá thủ tục có tính chất hành chính mà chưa coi trọng đúng mức tới việc phân tích, đánh giá tính khả thi và tính hiệu quả của dự án được thẩm định”. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, năng lực cán bộ làm công tác thẩm định dự án đâu đó còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp…

Một hạn chế khác trong công tác này cũng được các chuyên gia kinh tế chỉ ra, đó là Luật Xây dựng quy định giao cho cơ quan chuyên môn về xây dựng chủ trì thẩm định dự án đầu tư xây dựng, trong khi các cơ quan này chính là chủ đầu tư dự án do mình hoặc cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc mình tổ chức thẩm định. Quy định này phần nào ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong quá trình thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công.

Trước tồn tại trong công tác thẩm định dự án đầu tư, nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đề xuất, cần thiết phải nâng chất lượng “bộ lọc” công tác này, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công của Việt Nam trong bối cảnh mới.