Sát Tết, hàng loạt doanh nghiệp giảm mục tiêu kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 15/12 vừa qua, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam đã quyết định điều chỉnh giảm 7% kế hoạch doanh thu và gần 12% lợi nhuận so với kế hoạch 2022. Không chỉ Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, nhiều doanh nghiệp khác cũng điều chỉnh giảm mục tiêu kinh doanh khi mà năm 2022 đang dần khép lại.
Petrolimex muốn giảm hơn 90% mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022, từ 3.060 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng
Petrolimex muốn giảm hơn 90% mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022, từ 3.060 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng

Trong một báo cáo cập nhật về Công ty CP Đầu tư Nam Long, Công ty CP Chứng khoán KIS cho biết, Nam Long điều chỉnh kế hoạch doanh số hợp đồng từ 23,3 nghìn tỷ đồng xuống còn 12,3 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh năm 2022 có thể đạt 6 nghìn tỷ đồng doanh thu và 905 tỷ đồng lợi nhuận đối với công ty mẹ, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch trong lần họp ĐHĐCĐ lần lượt là 7,1 nghìn tỷ đồng và 1,2 nghìn tỷ đồng. Ban lãnh đạo Nam Long cho biết, việc hoàn thiện khung pháp lý chậm hơn dự kiến và sự thiếu hỗ trợ các khoản cho vay mua nhà, đặc biệt là các dự án Nam Long Cần Thơ, Izumi City, đã làm giảm mục tiêu kinh doanh của Công ty.

Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của Nam Long diễn ra trong bối cảnh ngành bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án do vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án, nguồn vốn tín dụng khó tiếp cận. Trước những khó khăn đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Trước đó, vào ngày 24/11, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 (Licogi 18) - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng - cũng đã có nghị quyết điều chỉnh giảm mục tiêu kinh doanh năm nay. Cụ thể, tổng doanh thu sau điều chỉnh giảm còn 2.720 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 phê duyệt. Tổng lợi nhuận trước thuế điều chỉnh giảm 20%, xuống 56,4 tỷ đồng.

Ông lớn trong lĩnh vực xi măng là Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên cũng đã hạ mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 thấp hơn 37% so với mục tiêu đề ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào cuối tháng 4/2022, xuống còn 318,1 tỷ đồng (chưa tính chênh lệch tỷ giá).

Trong ngành bất động sản khu công nghiệp, Công ty CP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 không hoàn thành kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu chỉ đạt 223 tỷ đồng, hoàn thành 73,25% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 77,93%, ở mức 140,4 tỷ đồng.

Không chỉ ngành xây dựng, lĩnh vực bán lẻ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định, có dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao trong bối cảnh lãi suất tăng và sự suy yếu của các ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may... Dự báo, tình trạng này có thể kéo dài đến quý III/2023 khi lãi suất dự kiến sẽ giảm và việc tăng lương tối thiểu dự kiến thành hiện tực.

Công ty CP Tập đoàn Masan, ông lớn ngành bán lẻ cũng dự kiến doanh thu cả năm 2022 chỉ đạt 75.000 - 80.000 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt từ 4.800 - 5.500 tỷ đồng (kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 6.900 - 8.500 tỷ đồng). "Do điều kiện thị trường không thuận lợi và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu", Masan lý giải về việc hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2022.

Doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông báo điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Theo đó, doanh thu tăng 29%, từ 186.000 tỷ lên 240.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm hơn 90% từ 3.060 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng so với kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua.

Tin cùng chuyên mục