Sau FED, nhiều ngân hàng trung ương châu Á có thể tăng lãi suất

FED được dự báo sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD vào ngày thứ Tư, khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ...
Lãi suất Mỹ tăng lên sẽ làm gia tăng khả năng dòng vốn chảy khỏi các quốc gia mới nổi, và tăng lãi suất được xem là một giải pháp để các nước này chống lại sự thoái vốn.
Lãi suất Mỹ tăng lên sẽ làm gia tăng khả năng dòng vốn chảy khỏi các quốc gia mới nổi, và tăng lãi suất được xem là một giải pháp để các nước này chống lại sự thoái vốn.

Đối với một số ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á, lựa chọn vào ngày thứ Năm tuần này không phải là có tăng lãi suất hay không mà là tăng bao nhiêu.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bất ngờ tăng mạnh lãi suất mới đây, tâm điểm chú ý của thị trường giờ dịch chuyển về phía Indonesia và Philippines, trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi tiếp tục chật vật trong việc ngăn đà sụt giảm của tỷ giá đồng nội tệ.

Sức ép đối với các quốc gia này về tăng lãi suất càng lớn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD vào ngày thứ Tư, khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày. Lãi suất Mỹ tăng lên sẽ làm gia tăng khả năng dòng vốn chảy khỏi các quốc gia mới nổi, và tăng lãi suất được xem là một giải pháp để các nước này chống lại sự thoái vốn.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế được hãng tin Bloomberg khảo sát đều dự báo Indonesia tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và Philippines tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào ngày thứ Năm. Đồng Rupiah của Indonesia và Peso của Philippines đều đã mất giá hơn 8% từ đầu năm đến nay, mức giảm giá mạnh thứ nhì trong số các đồng tiền của khu vực châu Á, sau đồng Rupee của Ấn Độ.

"Indonesia và Philippines sẽ nâng lãi suất để neo buộc tỷ giá bởi rủi ro vẫn còn", chuyên gia kinh tế cấp cao Joey Cuyegkeng thuộc ngân hàng ING ở Manila nhận định. "Đối với Indonesia, tăng lãi suất nhằm đảm bảo ổn định tài chính. Một đồng Rupiah yếu có thể gây bất ổn thị trường và dẫn tới sự thoái vốn. Nhưng đối với Philippines, tăng lãi suất chủ yếu nhằm chống lạm phát và kỳ vọng lạm phát".

Trong số 36 chuyên gia kinh tế được Bloomberg khảo sát, 27 người dự báo Bank Indonesia nâng lãi suất lên 5,75% từ 5,5%, có 7 người dự báo mức tăng 0,5 điểm phần trăm, và hai người dự báo lãi suất không thay đổi.

Trong một cuộc khảo sát khác cũng do Bloomberg tiến hành, 20/22 chuyên gia kinh tế được hỏi dự báo Bangko Sentral ng Pilipinas tăng lãi suất cơ bản lên 4,5% từ 4%.

Giống như Ấn Độ, Philippines và Indonesia đều có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, khiến các nước này dễ tổn thương khi tâm lý giới đầu tư chuyển bi quan.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã tăng lãi suất 1,25 điểm phần trăm trong năm nay, hạn chế nhập khẩu và "đốt" khoảng 10% dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá đồng Rupiah.

Về phần mình, Philippines đang vật lộn với sự đi lên của lạm phát. Lạm phát ở nước này đã tăng lên mức 6,4% trong tháng 8, mức cao nhất 9 năm, và có thể lên tới 7% trong tháng 9 này. Giá cả tăng đang gây ra những tác động xấu đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời có thể gây trệch hướng tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Philippines, ông Ramon Lopez, ngày 25/9 cho biết Chính phủ nước này đang cân nhắc thiết lập trần giá đối với những mặt hàng thực phẩm như gạo, thịt lợn và thịt gà.

Bangko Sentral ng Pilipinas bị chỉ trích là quá chậm chạp trong công tác chống lạm phát. Từ tháng 5 đến nay, Ngân hàng Trung ương này mới nâng lãi suất 1 điểm phần trăm. Standard Chartered dự báo Philippines sẽ nâng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm nữa trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Giới phân tích cho rằng sự hồi phục gần đây của giá tài sản tại các thị trường mới nổi đã giảm bớt phần nào áp lực tăng lãi suất trong tương lai, cho dù cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang tiếp tục đặt ra những rủi ro không nhỏ đối với các thị trường này.

Tin cùng chuyên mục