Sẽ công bố rõ “sức khỏe” của các dự án BĐS

(BĐT) - Đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM tại buổi họp báo thông tin về các dự án bất động sản (BĐS) đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố.
Cơ quan chức năng sẽ cập nhật liên tục thông tin về các dự án nhà ở bị thế chấp. Ảnh: Lê Tiên
Cơ quan chức năng sẽ cập nhật liên tục thông tin về các dự án nhà ở bị thế chấp. Ảnh: Lê Tiên

Chỉ mới cung cấp cái mình có

Ông Liên cho biết, sau vụ Dự án Hamona bị cầm cố, UBND TP.HCM đã có một cuộc họp để tổng rà soát lại vấn đề cầm cố dự án BĐS. Việc công bố thông tin vừa rồi chính là nằm trong chủ trương chung này của Thành phố.

Tuy nhiên, theo phản hồi từ các cơ quan báo chí, trong những ngày qua, việc cung cấp thông tin này đã gây hoang mang thực sự cho người tiêu dùng và thị trường, kể cả chủ đầu tư, bởi thông tin không cụ thể, còn quá chung chung, dễ gây hiểu nhầm.

Về vấn đề này, ông Liên thừa nhận: “Việc thế chấp dự án là bình thường. Tuy nhiên, khi cung cấp thông tin, chúng tôi dự báo những chủ đầu tư nào gặp vướng mắc về thủ tục đối với dự án cầm cố mới đưa lên để cảnh báo cho người mua, vì “sổ đỏ” chung đã bị ngân hàng giữ”.

“Thực tình mà nói, chúng tôi muốn cung cấp thông tin đầy đủ, nhưng hiện dừng lại cung cấp cái mình có. Hiện nay các doanh nghiệp khác yêu cầu phân loại mục đích vay, chúng tôi lục trong hợp đồng thế chấp, thấy nội dung giữa ngân hàng và doanh nghiệp không phản ảnh các nội dung vay cụ thể, nên cũng rất khó để thỏa mãn nhu cầu thông tin của mọi người” - ông Liên phân trần.

Thiếu thông tin cho người tiêu dùng

Liên quan đến các dự án BĐS, có rất nhiều loại thế chấp như: thế chấp tài sản riêng của doanh nghiệp, thế chấp tài sản chung của doanh nghiệp; hoặc thế chấp tài sản liên quan đến dự án.
Ông Liên cho biết, hiện nay liên quan đến các dự án BĐS, có rất nhiều loại thế chấp như: thế chấp tài sản riêng của doanh nghiệp, thế chấp tài sản chung của doanh nghiệp; hoặc thế chấp tài sản liên quan đến dự án. Mỗi loại thế chấp có một đặc thù riêng, nhưng người tiêu dùng còn rất mơ hồ về điều này.

Thông thường, khi thế chấp, có hai vấn đề đặt ra. Một là, nếu thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục rút bớt tài sản thế chấp tại cơ quan đăng ký. Mục đích là tránh một căn hộ bị chủ đầu tư thế chấp hai lần. Ngoài ra, người mua cũng có quyền thế chấp ngay căn hộ họ đang mua. Hai là, khi bán căn hộ đầu tiên, chủ đầu tư đã thế chấp tài sản ở ngân hàng phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua, để dự án đó không còn là tài sản riêng của chủ đầu tư mà chuyển sang tài sản chung.

Một điều được báo chí rất quan tâm là hiện nay dự án BĐS ở TP.HCM rất nhiều, trong đó có những dự án rất tai tiếng, nhưng không thấy công bố trong đợt rồi. Ông Liên cho hay, qua tìm hiểu, có những dự án trong diện nói trên thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, nhưng cũng có những dự án chỉ thế chấp quyền tài sản. “Chúng tôi tìm hiểu dựa vào hồ sơ huy động vốn của các chủ đầu tư. Căn cứ để công bố 77 dự án đợt rồi chính là Luật Nhà ở 2015 và Luật Kinh doanh BĐS” - ông Liên cho biết.

“Trong thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng như Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố sẽ thực hiện rất nhiều việc. Đối với các dự án công bố vừa rồi, khi thực hiện rút bớt tài sản thế chấp, chúng tôi sẽ công bố ngay. Khi chủ đầu tư giải chấp khoản vay để lấy “sổ đỏ” chung ra, chúng tôi cũng công bố luôn. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với các chủ đầu tư và sở ngành liên quan để công bố rõ hơn tình hình sức khỏe của mỗi dự án” - ông Liên khẳng định.

Tin cùng chuyên mục