Sếp ngân hàng Mỹ: “Dự báo khủng hoảng của Soros thật nực cười”

Dự báo của “trùm” đầu cơ George Soros về một cuộc khủng hoảng tài chính lớn sắp xảy ra bị cho là phi thực tế...
Ông James Gorman, CEO ngân hàng Mỹ Morgan Stanley - Ảnh: CNBC.
Ông James Gorman, CEO ngân hàng Mỹ Morgan Stanley - Ảnh: CNBC.

Giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ, ông James Gorman, cho rằng dự báo của nhà đầu cơ huyền thoại George Soros về một cuộc khủng hoảng tài chính lớn sắp xảy ra là phi thực tế.

Ông Gorman cũng dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ nâng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2018, bất chấp những biến động gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu.

"Thực lòng mà nói, tôi cho rằng điều đó thật nực cười", ông Gorman phát biểu khi được hỏi về việc ông Soros mới đây dự báo sắp có một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nữa. Đánh giá này được vị CEO Morgan Stanley đưa ra tronng cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg vào ngày 30/5.

Trong dự báo u ám đưa ra hôm 29/5, tỷ phú Soros cũng cảnh báo về khả năng tan rã của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Italy. Tuy nhiên, dự báo này của ông Soros cũng bị ông Gorman bác bỏ: "Tôi không hề cho rằng EU đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sống còn".

Ông Gorman cho rằng các nhà đầu tư nên nhìn nhận thấu đáo đợt biến động mà thị trường đang trải qua, trong đó nỗi lo sợ về khủng hoảng Italy đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh từ mức đỉnh trên 3% thiết lập gần đây. Theo ông Gorman, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể sẽ tăng trở lại, kéo tỷ giá đồng USD tăng theo.

Khi được hỏi về dự báo cho rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể vượt ngưỡng 4% mà ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase, đưa ra mới dây, ông Gorman trả lời: "Tôi sẽ ngạc nhiên nếu lợi suất ở dưới mức 3%. Và tôi cũng ngạc nhiên nếu lợi suất vượt 4%".

Trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Năm tại thị trường châu Á, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động quanh mức 2,85%.

Theo quan điểm của ông Gorman, lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ còn tăng bởi FED sẽ duy trì việc bình thường hóa chính sách tiền tệ. "FED đã thể hiện quan điểm cực kỳ nhất quán trong vấn đề này", ông Gorman nói. 

Ông nhấn mạnh rằng tiền lương ở Mỹ tăng yếu, không đủ để gây áp lực lạm phát lớn, nên FED phải mất nhiều thời gian đến vậy mới nâng lãi suất tới mức như hiện nay, một mức lãi suất chưa hề cao. "Lãi suất vẫn đang ở mức thấp nếu so sánh trong lịch sử", ông nói.

Ông Gorman nói rằng FED vẫn đang trong quá trình đưa lãi suất cơ bản đồng USD trở lại mức bình thường, để từ đó có "sức mạnh tiền tệ" lớn hơn trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng tiếp theo.

"Tôi có cảm giác là FED sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm nay", ông Gorman nhận định. "Tôi không cho là những gì xảy ra trong 24 giờ qua có ảnh hưởng đến kế hoạch tăng lãi suất của FED".

FED đã nâng lãi suất một lần trong năm nay, và đợt nâng tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra trong cuộc họp tháng 6 của ngân hàng trung ương này.

Theo ông Gorman, đợt biến động thị trường mới nhất "có thể là tín hiệu cảnh báo sớm" về vấn đề có thể khiến FED phải giãn tiến độ tăng lãi suất, "nhưng linh tính mách bảo tôi mọi chuyện sẽ không như vậy".

Ông Gorman nói các nhà đầu tư thường phản ứng với tin tức trong ngày, nhưng ông khuyến nghị các nhà đầu tư "nên xem xét kỹ một chút".

Vị CEO nhấn mạnh rằng, đồng USD - nằm giữa một bên là nỗi lo về những khoản thâm hụt của Mỹ và một bên là sức hấp dẫn của lãi suất tăng - "có thể mạnh lên theo thời gian" khi sức hấp dẫn của lợi suất chứng tỏ được là động lực mạnh hơn.

Theo ông Gorman, những thách thức mà Italy đang đối mặt là một phần trong khuynh hướng chính trị rộng hơn đã và đang diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm ở Anh, nơi diễn ra cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016. 

Ở những quốc gia và khu vực như vậy, "người dân có cảm giác nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn so với những gì mà họ nhận được". Nhưng dù như vậy, "tôi không cho là Eurozone đang lâm nguy".

Dù "kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt, đồng bộ" trong vòng 2 năm qua, thế giới vẫn đang phải chứng kiến những gián đoạn chính trị bao gồm Brexit, những cuộc đàm phán lập chính phủ liên minh đầy khó khăn ở Đức, và những thách thức gần dây ở Italy và Tây Ban Nha - ông Gorman nhấn mạnh.

"Đây gần như là cuộc cạnh tranh giữa một bên là tăng trưởng doanh nghiệp mạnh mẽ, lợi nhuận cải thiện, sức mạnh kinh tế với một bên sự mất ổn định chính trị và sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy", ông Gorman nói.

Tin cùng chuyên mục