Số hóa để tăng hiệu quả cho doanh nghiệp và nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, trên thế giới chưa có hướng dẫn thống nhất nào về đo lường đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng, nên phạm vi, phương pháp tính ở các quốc gia là khác nhau.
Chuyển đổi số mang lại hiệu quả thực tế cho nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp tiên phong. Ảnh: Lê Tiên
Chuyển đổi số mang lại hiệu quả thực tế cho nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp tiên phong. Ảnh: Lê Tiên

Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê xây dựng 50 chỉ tiêu đo lường kinh tế số, bước đầu tính toán số hóa tại từng ngành, từng địa phương có đóng góp như thế nào vào tăng trưởng GDP, là căn cứ nhận diện hiệu quả của chuyển đổi số, thúc đẩy các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế thuận xu thế thời cuộc.

Số hóa và tăng trưởng

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - lần 3” do Học viện Chính sách và Phát triển, Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học Thương mại phối hợp tổ chức ngày 21/3/2024, bà Thu Hương cho biết, 50 chỉ tiêu đo lường kinh tế số tại Việt Nam đánh giá trên 5 khía cạnh: quy mô kinh tế số, hạ tầng số, mức độ phổ cập dịch vụ trực tuyến, mức độ phổ cập phương tiện số, kỹ năng số và nguồn nhân lực kỹ thuật số. Theo tính toán mới nhất, năm 2023, ngành có tỷ trọng giá trị tăng thêm do hoạt động số hóa cao nhất là thương mại (bán buôn, bán lẻ), với giá trị tăng thêm trong GDP là 1,75%. Tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện, với tỷ trọng 0,45%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn là 0,26%; hoạt động dịch vụ tài chính là 0,2%; phát thanh truyền hình là 0,2%…

Phân theo khu vực, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc là các tỉnh dẫn đầu về tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tăng trưởng năm 2023 tại địa phương. Đây đều là các địa phương có tỷ trọng kinh tế số lõi lớn (chiếm 80% trong tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số, giá trị tăng thêm của các ngành này chiếm khoảng 30% GRDP). Ngược lại, các tỉnh có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP thấp chủ yếu do hoạt động sản xuất các ngành kinh tế số lõi ở các địa phương còn thấp, như Tiền Giang, Lào Cai, Thái Bình, Thanh Hóa…

Theo ước tính từ Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số tại Việt Nam chiếm khoảng 16,5% GDP năm 2023. Năm 2024, dự kiến tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP đạt từ 19 - 20%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20 - 25% và tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng ước đạt 40 tỷ USD. Các ngành đang có xu hướng số hóa mạnh mẽ là thương mại, ngân hàng, sản xuất và phân phối điện, phát thanh truyền hình… Tiến trình chuyển đổi số tại nhiều ngành, nhiều địa phương, doanh nghiệp được các nhà chuyên môn, nghiên cứu đo lường, đánh giá, với mong muốn định hình hiệu quả thực chất để thúc đẩy chuyển đổi số thuận xu thế tại Việt Nam.

PGS.TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng tại nhiều nền kinh tế

PGS.TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng tại nhiều nền kinh tế

Góp sức hiện thực hóa mục tiêu chiến lược

Theo PGS.TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng tại nhiều nền kinh tế, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và thúc đẩy phát triển. Việt Nam, với dân số gần 100 triệu người, được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động thúc đẩy phát triển kinh tế số. Trong bối cảnh cả nước đang hòa mình trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, PGS.TS. Trần Trọng Nguyên chia sẻ, chuỗi hội thảo thường niên, định lượng các vấn đề kinh tế - xã hội trong môi trường số có mong muốn góp một phần công sức vào quá trình hiện thực hóa Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại chiến lược này, Chính phủ đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu đến năm 2025, khu vực kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%. Đến năm 2030, khu vực kinh tế số chiếm 30% GDP, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%... Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ tỷ lệ thuận giữa nỗ lực số hóa với khả năng tăng trưởng cao tại các khu vực kinh tế. Thực tế vận hành của một số doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số cũng đang cho thấy mối liên hệ thuận chiều này.

Trong ngành ngân hàng, Techcombank có tỷ lệ huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên tới 46,1% vào năm 2020 nhờ đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số. Do áp lực cạnh tranh, CASA tại nhà băng này giảm về 34% vào năm 2023, chia sẻ thị phần với 2 ngân hàng năng động khác là Vietcombank (CASA 35%) và MBBank (40%). Huy động được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn với chi phí rất thấp là yếu tố cốt lõi giúp các ngân hàng liên tục tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều thách thức, khó khăn.

Hội thảo khoa học quốc gia “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - lần 3” do Học viện Chính sách và Phát triển, Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học Thương mại phối hợp tổ chức ngày 21/3/2024

Hội thảo khoa học quốc gia “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - lần 3” do Học viện Chính sách và Phát triển, Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học Thương mại phối hợp tổ chức ngày 21/3/2024

Chia sẻ với các nhà đầu tư mới đây, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết, chính nhờ chuyển đổi số, Techcombank có nguồn thu từ phí dịch vụ liên tục tăng và sẽ tiếp tục tăng trong tổng thu nhập hoạt động năm 2024. Theo ông Hưng, Ngân hàng có thể chia cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 20%/năm, do xây dựng được 4 động lực tăng trưởng. Một trong 4 động lực đó là số hóa và nền tảng dữ liệu khách hàng.

Tại MBBank, kể từ năm 2017 (năm Hội đồng quản trị quyết định đầu tư lớn cho chuyển đổi số), đến năm 2023, giá trị tuyệt đối tiền gửi không kỳ hạn MBBank huy động được tăng bình quân 17,3%/năm. Ông Vũ Thành Trung, thành viên Ban điều hành MBBank cho biết, nhờ chuyển đổi số, Ngân hàng tăng trưởng mạnh về CASA và nền tảng khách hàng, hiện MBBank có 26 triệu tài khoản. Ngân hàng dự kiến thu hút thêm 4 triệu tài khoản trong năm 2024 để đạt đến 30 triệu tài khoản, phục vụ trên 1 nền tảng, với chi phí/khách hàng ngày càng giảm. Chuyển đổi số đang và sẽ là chìa khóa để những nhà băng này mở rộng hoạt động, giữ vững hiệu quả dẫn đầu.