Riêng 4 tháng đầu năm, cả nước có thêm 39.580 DN mới thành lập, nâng tổng số DN đã đăng ký thành lập tính đến 30/4/2017 lên tới 1.090.731 DN. Ảnh: Tường Lâm |
Tốc độ phát triển nhanh
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110.100 DN với tổng vốn đăng ký là 891.100 tỷ đồng, tăng 16,2% về số DN và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Riêng 4 tháng đầu năm, cả nước có thêm 39.580 DN mới thành lập, nâng tổng số DN đã đăng ký thành lập tính đến 30/4/2017 lên tới 1.090.731 DN.
Đáng chú ý là số lượng DN ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2016 đã giảm đáng kể so với năm 2015 với 73.145 DN (giảm 9,5% so với năm 2015), trong đó có 12.478 DN hoàn thành thủ tục giải thể và 60.667 DN gặp khó khăn phải ngừng hoạt động. Đặc biệt có những điểm sáng ở các vùng khó khăn như khu vực Tây Nguyên, nơi có số lượng DN đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký kinh doanh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cả nước. Nếu tính cả số DN đăng ký thành lập, ngừng hoạt động, giải thể và quay trở lại hoạt động trong năm 2016, thì đến 31/12/2016 ước có 546.281 DN đang hoạt động.
Còn theo kết quả khảo sát về động thái DN của Tổng cục Thống kê và VCCI, phần lớn các DN đều đưa ra dự cảm tốt đối với tình hình sản xuất kinh doanh năm 2017.
Kết quả khảo sát khác cũng cho thấy, có khoảng 80% ý kiến DN trong tổng số 1.000 doanh nghiệp được hỏi cho rằng, DN mình đã thực hiện “tốt” và “khá tốt” các nhiệm vụ trong Nghị quyết như: thực hiện quyền và nghĩa vụ của DN theo quy định của pháp luật; tăng cường và giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong DN; đẩy mạnh tái cơ cấu, liên kết, hợp tác kinh doanh; nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh.
... nhưng chưa thực sự bền vững
Mặc dù vậy, theo đánh giá của VCCI, hiện vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy tính không bền vững trong phát triển DN trong một năm qua.
Điểm đáng quan ngại nhất, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, trong các tháng đầu năm 2017, số lượng DN thành lập mới tuy có tăng, nhưng số lượng DN ngừng hoạt động và giải thể bằng khoảng 1/2 so với số lượng DN mới thành lập. Về thực chất, quy mô DN không có nhiều cải thiện, số lao động trung bình trên một DN dao động khoảng 30 người - thấp hơn rất nhiều so với tiêu chí DN nhỏ (dưới 50 lao động).
Liên tục trong ba năm liền 2014, 2015 và 2016, khối các DN trong nước liên tục bị lép vế so với khối DN ngoại và xuống dốc trên cả 3 phương diện. Đó là DN trong nước triền miên nhập siêu bất luận cán cân thương mại của cả nước thế nào; tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu teo tóp dần, chỉ còn chiếm 28,4% trong năm 2016; và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối DN trong nước luôn thấp hơn so tốc độ tăng trưởng chung, năm 2016 là 4,8% (so với tốc độ chung là 8,6%).
Các DN FDI chủ yếu nhập các linh kiện và mua nguồn nguyên liệu chủ yếu từ nước ngoài hoặc từ mạng lưới sẵn có, “góp phần” đáng kể cho việc thâm hụt cán cân thương mại và chuyển giá. Nghịch lý là tỷ lệ DN FDI thua lỗ vẫn cao nhất so với khối DN nhà nước và ngoài nhà nước, nhưng các nhà đầu tư vẫn coi Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn và các chỉ số về hiệu suất sinh lời trên tài sản của khu vực FDI vẫn là cao nhất so với các khu vực DN còn lại. Trong khi đó, DN trong nước vẫn phát triển “ì ạch”, chưa tận dụng được cơ hội để phát triển công nghiệp hỗ trợ, trở thành doanh nghiệp “vệ tinh” cho doanh nghiệp FDI.
Lý giải nguyên nhân của những hạn chế trong phát triển DN nêu trên, ông Vũ Tiến Lộc nhận xét, có thể xuất phát từ sự yếu kém trong phát triển của các thị trường như thị trường các yếu tố (đất đai, lao động, công nghệ, tài chính) và thị trường hàng hóa (hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa công nghiệp)... Nghị quyết 35/NQ-CP là một trong những công cụ hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia và hoạt động trên các thị trường này một cách hiệu quả, tuy nhiên với thời gian 1 năm thực hiện, khó có thể đưa ra kết luận chính xác về tác động của nó tới kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả tích cực ban đầu có thể nhìn thấy đó là Nghị quyết 35/ NQ-CP đã tạo niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường.
Mặc dù vậy, theo ông Lộc, nguyên nhân chính của tồn tại, hạn chế nêu trên vẫn là do nhận thức và tính chủ động của một bộ phận DN, nhất là các DN nhỏ về các thách thức của cạnh tranh, hội nhập chưa cao. Sự yếu kém về quản trị cũng là một trong những nguyên nhân làm cho DN Việt Nam “chậm lớn”. Mặc dù đông về số lượng, nhưng lại yếu kém về chất lượng. Việc Việt Nam mới có khoảng 700 DN niêm yết trên thị trường chứng khoán và với việc áp dụng các thực tiễn tốt về quản trị công ty ở mức rất hạn chế so với ASEAN 4 đang là một thách thức lớn để các DN Việt Nam xây dựng được niềm tin đối với các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh của mình và phát triển thương hiệu.
Bên cạnh đó, hạn chế về ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến cũng là một rào cản lớn với DN, trong khi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định trong Nghị quyết số 35/NQ-CP. Chỉ có 30,5% ý kiến của DN cho rằng họ đã thực hiện tốt nội dung này. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang cận kề, thì đây là một thách thức lớn đối với các DN Việt Nam.
Mặt khác, ông Lộc thừa nhận, các hiệp hội DN thực tế cũng chưa hỗ trợ được nhiều vì hạn chế về nguồn lực, nên nhiều DN phải tự xoay xở và gặp khá nhiều khó khăn, lúng túng trong việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên.