![]() |
Việc hoàn thành hệ thống giao thông thông minh (ITS) là một trong những yếu tố tiên quyết để đưa cao tốc Bắc - Nam vào khai thác đồng bộ. Ảnh: Internet |
Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long thuộc Bộ Xây dựng cho biết, tại Dự án thành phần Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (dài 63,37 km qua tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa), các gói thầu chính đều được hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2023. Tuy nhiên, để vận hành Dự án một cách hoàn chỉnh, Ban đang tập trung hoàn thành hệ thống ITS và trạm dừng nghỉ trên tuyến. Ban đã ký hợp đồng với Công ty CP Phát triển công nghệ và ứng dụng ITS, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả để triển khai các gói thầu của hệ thống ITS trên tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Cán bộ của Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Nhà thầu trúng Gói thầu số 31 Thi công xây dựng hệ thống giám sát điều hành giao thông (không bao gồm cung cấp, lắp đặt thiết bị) với giá 155 tỷ đồng. Khởi công từ ngày 10/4/2025, Nhà thầu đang huy động máy móc và thiết bị, nhân sự, tăng cường các mũi thi công nhằm sớm hoàn thành Gói thầu.
Về trạm dừng nghỉ của Dự án, Ban QLDA Thăng Long đã bàn giao mặt bằng, nhà đầu tư đang chuẩn bị khởi công.
Tại Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai), các gói thầu xây lắp đã hoàn thành ngày 30/4/2023, bàn giao cho đơn vị quản lý khai thác từ tháng 6/2024 và đang làm thủ tục để chuẩn bị bàn giao các hạng mục còn lại cho đơn vị quản lý khai thác (dự kiến trong tháng 5/2025). Chủ đầu tư đang đôn đốc tiến độ Gói thầu số 19 Thi công xây dựng hệ thống giám sát điều hành giao thông (không bao gồm cung cấp, lắp đặt thiết bị) của Dự án. Gói thầu số 19 được trao cho Liên danh Công ty CP Trí Việt INVESTCONS - Công ty CP ACC 244 - Công ty CP GCM với giá 125,357 tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, liên danh nhà thầu thi công cơ bản đáp ứng tiến độ. Nhà thầu đang huy động máy móc thiết bị, nhân sự để tổ chức thêm các mũi thi công nhằm sớm đưa công trình vào vận hành.
Đối với việc xây dựng trạm dừng nghỉ trên đoạn tuyến Phan Thiết - Dầu Giây, đến nay đã bàn giao 2 ha mỗi bên (phần đã giải phóng mặt bằng) cho nhà đầu tư thực hiện. Phần giải phóng mặt bằng bổ sung đang phối hợp với doanh nghiệp và địa phương để thực hiện. Các bên liên quan đã tiến hành kiểm kê, đánh giá, ghi nhận tài sản, báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai xem xét cho phép bàn giao trước mặt bằng cho doanh nghiệp dự án để thực hiện. Doanh nghiệp đã tổ chức thi công các hạng mục công trình như san nền, làm đường tiếp cận và công trình thiết yếu trên mặt bằng đã được bàn giao.
Đối với Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (qua tỉnh Hà Tĩnh), hiện nay, công tác triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ Km534+310 đang được đẩy mạnh. Cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng. Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng trạm dừng nghỉ đã hoàn thành. Gói thầu Tư vấn thiết kế kỹ thuật hệ thống ITS và Gói thầu Tư vấn thẩm tra của hệ thống ITS đã lựa chọn được nhà thầu.
Ban QLDA Thăng Long cho biết, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng cơ bản hoàn thành các hạng mục công việc chính, thông xe tuyến chính cao tốc và đang tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục còn lại như an toàn giao thông, sơn kẻ đường, hộ lan tôn sóng, lắp đặt lưới chống chói... Các nhà thầu đang phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án trước ngày 30/6/2025 (trừ hạng mục ITS) theo đúng chỉ đạo của Bộ Xây dựng.
Bộ Xây dựng cho biết, để có thể đưa vào khai thác đồng bộ các đoạn tuyến cao tốc trên trục Bắc - Nam thì phải hoàn thành đồng bộ các hệ thống ITS. Bộ Xây dựng yêu cầu các ban QLDA đôn đốc nhà thầu, khẩn trương hoàn thành hệ thống ITS theo tiến độ hợp đồng để đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Theo các chuyên gia giao thông, việc sớm hoàn thành đầu tư các trạm dừng nghỉ đầy đủ tiện nghi trên các tuyến cao tốc, được quy hoạch đồng bộ, hiện đại sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông, giúp phương tiện lưu thông thuận lợi, trở thành điểm nhấn về cảnh quan, văn hóa vùng miền, phát triển kinh tế - xã hội khu vực.