Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (22/12), khi biến thể mới của Covid-19 và số liệu kinh tế gây thất vọng lấn át sự hứng khởi về việc Quốc hội Mỹ chính thức thông qua kế hoạch kích cầu đượ chờ đợi từ lâu.
Không chỉ có S&P 500 mà Dow Jones cũng giảm điểm phiên này. Trái lại, cổ phiếu Apple trở thành trụ cột đưa chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại. Ngoài ra, các cổ phiếu nhỏ cũng tăng điểm phiên này, đưa chỉ số Russell 2000 đóng cửa ở mức kỷ lục mới.
"Thị trường phải lấy lại hơi trong ngày hôm nay. Giới đầu tư đang nghiền ngẫm hai thông tin lớn xuất hiện trong 24 giờ qua, bao gồm gói kích cầu và biến thể mới của Covid", chiến lược gia Ryan Detrick thuộc LPL Financial phát biểu.
Cổ phiếu Apple trở thành điểm sáng giữa một phiên bán tháo trên diện rộng đối với các cổ phiếu lớn. Mức tăng 2,8% của "táo khuyết" là trụ đỡ lớn nhất cho S&P 500 và Nasdaq, sau khi có tin Apple dự định sản xuất xe ô tô chở người chạy bằng điện vào năm 2024.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã chính thức phê chuẩn một gói kích cầu kinh tế trị giá 892 tỷ USD. Kế hoạch được thông qua sau nhiều tháng tranh cãi gay gắt giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Đây được xem là một "liều thuốc trợ lực" quan trọng để hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh đà phục hồi bắt đầu suy yếu vì các biện pháp hạn chế để chống lại làn sóng Covid mới.
Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp ở Mỹ, với khoảng 214.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, buộc nhiều địa phương ở nước này phải đóng cửa các hoạt động công cộng và đặt các bệnh viện trước nguy cơ quá tải.
Nỗi lo về dịch bệnh bị đẩy cao hơn sau khi Anh tuyên bố phát hiện một biến thể mới, có khả năng lây nhiễm nhanh của virus corona. Phát hiện này dẫn tới việc hàng chục quốc gia trên thế giới tuyên bố đóng cửa biên giới với Anh. Hai nhà sản xuất vaccine Covid-19 là Pfizer và Moderna ra sức trấn an rằng vaccine của họ đủ hiệu quả để chống lại biến thể virus mới.
Nỗi lo về virus và lạc quan về một sự phục hồi kinh tế trong tương lai đã khiến Phố Wall chứng kiến mức độ biến động cực mạnh trong năm nay. S&P 500 đã có tới hơn 40 phiên tăng hoặc giảm từ 2% trở lên kể từ đầu năm, nhiều nhất trong hơn 1 thập kỷ qua.
"Đây sẽ là năm đầu tiên trong lịch sử mà thị trường chứng khoán Mỹ có thời điểm sụt giảm 30% mà vẫn hoàn tất một năm tăng điểm", ông Detrick nói. "Đây thực sự là một hành trình khó tin và chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế này".
Số liệu kinh tế công bố ngày thứ Ba cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ giảm. Doanh số bán nhà đã qua sử dụng cũng lần đầu tiên giảm sau 6 tháng.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 0,67%, còn 30.015,51 điểm. S&P 500 giảm 0,21%, còn 3.678,26 điểm. Nasdaq tăng 0,51%, đạt 12.807,92 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, chỉ có hai nhóm công nghệ và bất động sản chốt phiên trong trạng thái tăng.
Cổ phiếu Tesla giảm 1,5%, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tục sau khi hãng xe điện này trở thành một thành viên của S&P 500.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,31 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,21 lần. Có tổng cộng 11,02 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên toàn thị trường, so với mức bình quân 11,62 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.