S&P 500 trượt dốc dù cổ phiếu năng lượng, tài chính bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
Nhóm cổ phiếu tài chính đạt mức cao kỷ lục, nhóm năng lượng tăng 3,9%, nhưng S&P 500 vẫn có một phiên giảm...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (1/6), khi các nhóm cổ phiếu y tế và công nghệ đi xuống, đối nghịch với mức tăng mạnh mẽ của cổ phiếu công nghệ và tài chính.

Phiên này, nhà đầu tư nghiền ngẫm loạt dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ để tìm ra những dấu hiệu về sự phục hồi và lạm phát.

Theo tin từ Reuters, nhóm tài chính thuộc S&P 500 đạt mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, kỳ vọng vào sự khởi sắc nhu cầu tiêu thụ dầu đưa nhóm năng lượng tăng 3,9%, mức tăng mạnh nhất trong một phiên của nhóm này trong gần 4 tháng trở lại đây. Trái lại, nhóm công nghệ giảm điểm vì nỗi lo lạm phát và nhóm y tế cũng đi xuống vì dự báo lợi nhuận kém khả quan của Abbott Laboratories.

Thống kê công bố cùng ngày cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tăng tốc trong tháng 5, nhờ nhu cầu bị dồn nén trong nền kinh tế bắt đầu bung, đẩy số đơn đặt hàng tăng mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Tuy nhiên, lượng công việc chưa hoàn tất cũng gia tăng do thiếu nguyên vật liệu thô và nhân công.

“Sau kỳ nghỉ cuối tuần, nhà đầu tư đã trở lại thị trường với niềm tin rằng nền kinh tế đang hồi phục tích cực, nhưng mọi người có vẻ cũng tin rằng lạm phát do vấn đề nhân công và chi phí khác chỉ là tạm thời”, Chủ tịch Peter Tuz của Chase Investment Counsel nhận định.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,13%, đạt 34.575,31 điểm. S&P 500 giảm 0,05%, còn 4.202,04 điểm. Nasdaq giảm 0,09%, còn 13.736,48 điểm.

Cùng với mức tăng mạnh của hai nhóm tài chính và năng lượng, chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hoá nhỏ tăng 1,1%, phản ánh sức mạnh của những cổ phiếu được dự báo sẽ vượt trội khi kinh tế mở cửa trở lại và tăng trưởng.

Sau 4 tháng tăng liên tiếp, S&P 500 hiện chỉ còn cách chưa đầy 1% so với mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn đang lo ngại lạm phát tăng cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu.

“Chúng ta có những vấn đề về chuỗi cung ứng, sự trì hoãn, giá cả tăng, sức ép giá cả nói chung. Các chủ doanh nghiệp thì kêu khó tìm nhân công”, chiến lược gia trưởng Kristina Hooper của Invesco phát biểu. “Đây là một phần vi mô của những gì chúng ta đang nghe thấy và nhìn thấy về nền kinh tế nói chung, và nhắc nhở rằng lạm phát vẫn là một mối lo”.

Dữ liệu công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát quan trọng của Mỹ, tăng mạnh trong tháng 4. Tuy nhiên, với sự trấn an của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rằng lạm phát tăng mạnh chỉ là tạm thời và Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, thị trường vẫn có một phiê tăng điểm.

Ngày 1/6, một số quan chức Fed tiếp tục nhắc lại quan điểm rằng giá cả tăng chỉ là tạm thời.

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư ở Phố Wall trong tuần này sẽ là loạt dữ liệu kinh tế quan trọng, đặc biệt là báo cáo việc làm tháng 5 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu.

Cổ phiếu Abbott Labs giảm 9,3% sau khi công ty cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm 2021 do kỳ vọng giảm về doanh thu từ mảng xét nghiệm Covid vì đã có một tỷ lệ lớn dân số Mỹ được tiêm chủng.

Loạt cổ phiếu “meme” nối tiếp xu hướng tăng mạnh của tuần trước. Trong đó, cổ phiếu chuỗi rạp chiếu phim AMC Entertainment Holdings tăng gần 23% sau khi công ty tuyên bố bán được 230 triệu USD cổ phiếu.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 2,54 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,79 lần.

Toàn thị trường có 10,7 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 10,5 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Tin cùng chuyên mục