S&P dự báo doanh số bất động sản Trung Quốc giảm 30%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo ước tính mới nhất từ tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings, doanh số bất động sản Trung Quốc sẽ ghi nhận mức sụt giảm lớn hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cụ thể, S&P cho biết, doanh số bất động sản toàn quốc ở Trung Quốc có thể giảm 30% trong năm nay, lớn gấp gần 2 lần so với mức giảm được tổ chức này đưa ra trong lần dự báo trước. Theo S&P, nguyên nhân sụt giảm đến từ việc ngày càng nhiều người mua nhà ở Trung Quốc ngừng thanh toán khoản vay thế chấp. Bên cạnh đó, con số sụt giảm trên sẽ tồi tệ hơn năm 2008 - khi doanh số giảm gần 20%.

Kể từ cuối tháng 6, các số liệu không chính thức đã cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của số người từ chối thanh toán khoản vay mua nhà tại hàng trăm dự án chưa hoàn thiện.

Hầu hết nhà ở Trung Quốc đều được bán trước khi hoàn thiện, giúp tạo ra một dòng tiền quan trọng cho các chủ đầu tư. Trong vòng 2 năm qua, các doanh nghiệp phát triển địa ốc ở Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trong bối cảnh Bắc Kinh mở chiến dịch nhằm kiểm soát tình trạng vay nợ tràn lan trong ngành này.

"Giờ đây, cuộc 'đình công' của những người vay mua nhà đang gây tổn hại tới niềm tin cho thị trường, trì hoãn sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc", Esther Liu - chuyên gia tại S&P nhận định.

Theo bà Liu, khi doanh số bán nhà giảm sút, nhiều chủ đầu tư có thể rơi vào tình trạng "kiệt quệ" tài chính; nếu không được kiềm chế, vấn đề này thậm chí có thể lan sang những công ty khoẻ mạnh hơn. Ngoài ra, bà Liu cho rằng cũng có thể xảy ra bất ổn xã hội nếu người mua nhà không nhận được căn hộ mà họ đã trả tiền.

Dù làn sóng từ chối thanh toán thế chấp tăng lên nhanh chóng trong vài tuần gần đây, song giới phân tích nhìn chung không cho rằng điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống.

Trong một báo cáo khác ra ngày 26/7, S&P ước tính rằng những khoản vay mua nhà bị dừng thanh toán có thể ảnh hưởng đến 974 tỷ Nhân dân tệ (hơn 144 tỷ USD) vốn vay, tương đương 2,5% các khoản vay thế chấp ở Trung Quốc, tương đương 0,5% tổng vốn vay.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã khuyến khích ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp địa ốc và nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thiện dự án. Từ tháng 3, nhà chức trách đã bày tỏ sự hậu thuẫn gia tăng đối với ngành địa ốc, nhưng vẫn duy trì khẩu hiệu “nhà để ở chứ không phải để đầu cơ”.

“Điều khiến chúng tôi lo lắng là quy mô của những hỗ trợ đó không đủ lớn để cứu vãn tính hình đang ngày càng xấu đi”, bà Liu nhận định.

Bà Liu cho biết, nhóm của bà không dự báo về một sự sụt giảm mạnh của giá nhà ở Trung Quốc, bởi các địa phương ở nước này có chính sách hỗ trợ giá nhà. Dự báo của họ là giá nhà ở Trung Quốc sẽ giảm 6 - 7% trong năm nay, sau đó là ổn định.

Theo bà Liu, ước tính khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi ngành bất động sản, nhưng chỉ một phần trong số đó đang ở mức độ rủi ro.

Tin cùng chuyên mục