S&P giảm phiên thứ 5 liên tiếp, Dow Jones mất hơn 200 điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, với chỉ số S&P 500 có phiên giảm thứ 5 liên tiếp...
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, với chỉ số S&P 500 có phiên giảm thứ 5 liên tiếp, khi nhóm cổ phiếu tài chính sụt giảm vì mối lo rằng các quy chế giám sát đối với ngành ngân hàng sẽ bị thắt chặt một khi Đảng Dân chủ chính thức nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Theo tin từ Reuters, cổ phiếu tài chính ở Phố Wall đồng loạt trượt giá sau khi nghị sỹ Dân chủ Maxine Waters, người được dự báo sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, nói rõ ý định thúc đẩy việc siết các quy chế giám sát đối với ngành tài chính.

Bà Waters bày tỏ lo ngại đối với nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về giảm các yêu cầu vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng. Bà cũng nói muốn FED đẩy mạnh giám sát các ngân hàng lớn.

Nhóm cổ phiếu tài chính giảm 1,4%, trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong S&P phiên này. Trong đó, nhóm ngân hàng sụt 1,7%.

Mức độ giảm điểm của chứng khoán Mỹ được thu hẹp một phần sau khi Thủ tướng Anh Theresa May giành được sự ủng hộ của các bộ trưởng trong nội các Anh về một dự thảo thỏa thuận cho việc London ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Tuy nhiên, đà giảm của thị trường được nối lại vào nửa giờ đồng hồ giao dịch cuối cùng.

Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng tiếp tục xu hướng giảm của những phiên gần đây, với cổ phiếu Apple giảm phiên thứ năm liên tiếp vì nỗi lo doanh số điện thoại iPhone giữ được tốc độ tăng trưởng như trước. Khi chạm đáy trong phiên giao dịch, cổ phiếu Apple giảm hơn 20% so với mức kỷ lục.

Chốt phiên, cổ phiếu Apple giảm 2,8%, góp phần kéo nhóm công nghệ của S&P sụt 1,3%.

Chứng khoán Mỹ đã bắt đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư với sắc xanh của các chỉ số, khi giá dầu hồi phục và thống kê cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ tăng đúng với dự báo. Dữ liệu này làm dịu mối lo về sự tăng nóng của lạm phát và khả năng FED đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất.

Tuy nhiên, đến giữa phiên, tâm lý của thị trường lại chuyển xấu, khi nhà đầu tư gia tăng mối lo về sự suy giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

"Những bấp bênh đang phủ bóng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cộng thêm các vấn đề về thương mại, đang khiến nhà đầu tư chần chừ", ông Chad Morganlander, nhà quản lý danh mục cấp cao thuộc Washington Crossing Advisors, nhận định.

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 205,99 điểm, tương đương giảm 0,81%, còn 25.080,5 điểm. S&P giảm 0,76%, còn 2.701,58 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 0,9%, còn 7.136,39 điểm.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,54 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,93 lần.

Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall chuyển nhượng tổng cộng 8,96 tỷ cổ phiếu phiên này, so với mức bình quân 8,53 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Tin cùng chuyên mục