Ảnh Internet |
Cửa hiệu có diện tích khoảng 2.800 m2, bằng một nửa kích thước của sân bóng đá, sẽ được khai trương vào ngày 6/12 và là một phần trong nỗ lực nâng cấp thương hiệu do nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Starbucks, Howard Schultz, khởi xướng.
Khách hàng tại cửa hiệu mới nằm trên con phố mua sắm Tây Nam Kinh sẽ được tận mắt chứng kiến các loại cà phê được rang, được thử pha chế và được sử dụng một ứng dụng tương tác thực tế để tương tác với cửa hiệu.
Giám đốc điều hành, Kevin Johnson, đang nhắm mục tiêu vào thị trường phát triển nhanh nhất của hãng sau khi thị trường cà phê tại Mỹ bị bão hòa với lattes và cappuccinos. Ba năm sau khi mở cửa hiệu Roastery đầu tiên ở thành phố quê hương Seattle, Starbucks cuối cùng cũng thử nghiệm ý tưởng này tại Trung Quốc, nơi hãng hiện đang có 3.000 cửa hiệu.
“Đối với Starbucks, việc nắm giữ sức mạnh tại thị trường Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với thị trường Mỹ”, ông Schultz cho biết tại một cuộc họp báo ở Thượng Hải. Ông cũng cho rằng, Trung Quốc đang trên đường trở thành thị trường lớn nhất của hãng trong chưa đầy một thập kỷ.
Doanh số bán hàng của Starbucks tại thị trường Trung Quốc đã tăng 8% trong quý gần đây, so với mức 2% mà hãng đạt được trên toàn cầu. Doanh thu từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm gần 15% doanh thu của Starbucks trong năm tài chính kết thúc vào tháng 10/2017, tăng từ mức 5,5% của 5 năm trước.
Starbucks cho biết đã mở rộng đầu tư vào Trung Quốc từ hồi tháng 7, khi công bố kế hoạch mua lại các đối tác trong liên doanh phía đông đại lục của mình. Hãng đã đồng ý mua lại 50% doanh nghiệp với tổng giá trị 1,3 tỷ USD, cho phép sở hữu khoảng 1.300 cửa hiệu cà phê ở Thượng Hải, Giang Tô và tỉnh Chiết Giang. Starbucks dự định sẽ có khoảng 5.000 cửa hiệu cà phê ở Trung Quốc vào năm 2021.
Starbucks đang đặt cược vào nhu cầu đối với cà phê có thể giống như nhu cầu đối với hàng hóa xa xỉ ngày một tăng cao ở Trung Quốc. “Người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, đang tìm kiếm những hàng hóa có chất lượng cao hơn, độc đáo hơn và phản ánh con người họ”, Jack Chuang, đối tác ở OC&C Strategy Consultants có trụ sở tại Thương Hải, cho biết.
Ngoài ra, Starbucks cũng có kế hoạch mở các cửa hiệu cà phê Roastery khác ở New York, Tokyo và Italy. Ý tưởng này là một phần trong nỗ lực nâng cấp thương hiệu của Starbucks, bao gồm tung ra một dòng sản phẩm cà phê thương hạng mang tên Reserve. Tuy nhiên, việc triển khai ý tưởng đã bị chậm lại do chi phí xây dựng cao và khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm phù hợp.