Sự cố đường dây 500 kV: Xử lý nghiêm nhà thầu nếu vi phạm

(BĐT) - Đến sáng ngày 6/5, sự cố đổ cột điện đường dây 500 kV ở Bắc Giang đã được khắc phục, đóng điện an toàn. Nếu nguyên nhân sự cố bắt nguồn từ nhà thầu thi công, thiết kế, tư vấn hay bất cứ đơn vị nào liên quan cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác xác minh nguyên nhân cột điện trên đường dây 500 kV Hiệp Hòa - Quảng Ninh bị đổ. Ảnh: Hoàn Nguyễn
Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác xác minh nguyên nhân cột điện trên đường dây 500 kV Hiệp Hòa - Quảng Ninh bị đổ. Ảnh: Hoàn Nguyễn

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc Họp báo thường kỳ tháng 4/2016 do Bộ tổ chức chiều ngày 6/5, tại Hà Nội.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đến nay Bộ đã thành lập Tổ công tác và xác minh nguyên nhân cột điện bị đổ trên đường dây 500 kV Hiệp Hòa - Quảng Ninh (trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) xảy ra vào ngày 22/4 vừa qua. Khi có kết quả cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ thông tin tới các cơ quan báo chí. Ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Trong điều kiện thời tiết không bất thường mà xảy ra sự cố đổ cột điện thì là điều không bình thường”.

Đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa là dự án năng lượng cấp I, có tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỷ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư. Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị tư vấn thiết kế. Công ty CP Xây lắp điện 1 và Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam là nhà thầu thi công công trình.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 6/5 tại 3 điểm cầu (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu xác minh, đánh giá sự cố để đề ra biện pháp xử lý, trong đó có xem xét cả phần trách nhiệm nếu có.

Từ sự cố này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát lại an toàn của các tuyến đường điện, nhất là trước ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tác động từ thiên nhiên. Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Tập đoàn Điện lực nên tổ chức kiểm tra đánh giá lại tiến độ các dự án trọng điểm, các nhà máy điện để đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô năm 2016 cũng như trong các năm tới. Trong quá trình triển khai công tác này cần lưu ý kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước trong đầu tư xây dựng dự án, nhất là dự án về phát điện và điện than. Đặc biệt, quan tâm đến những dự án có những sự cố môi trường hoặc có biểu hiện không chấp hành nghiêm túc các điều kiện môi trường như đã thấy trong thời gian qua.

Cuộc họp báo cũng nóng lên trước nhiều câu hỏi quan tâm đến dự án tỷ USD lập tuyến đường thủy xuyên Á trên sông Hồng. Đại diện Tổng cục Năng lượng cho biết, dự án này do Tập đoàn Thaigroup đề xuất, đây không phải là dự án thủy điện mà là giao thông thủy xuyên Á, trong dự án có các hồ chứa nhỏ có thể phát điện được. “Tuy nhiên, nếu có dự án thủy điện thì cũng chỉ là thủy điện nhỏ bởi tính tổng công suất các bậc thì cũng chỉ lên tới 200 MW” – vị đại diện Tổng cục Năng lượng nói.

Cũng theo đại diện cơ quan này, trên phương án đề xuất sơ bộ của nhà đầu tư, Bộ Công Thương đã lưu ý nhà đầu tư các dự án thủy điện cần nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động về môi trường, di dân tái dịnh cư… đối với dự án thủy điện nếu có.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, thời gian qua, có lúc chúng ta đã phải trả giá về những tác động đối với môi trường, do đó khi làm dự án thủy điện cần phải nghiên cứu, tính toán hết sức chặt chẽ, cẩn trọng.

Tin cùng chuyên mục