Bùi Thị Thu Thảo, người mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên của điền kinh Việt Nam trong lịch sử tham dự ASIAD |
Một sự cạnh tranh khốc liệt để sinh tồn và thịnh vượng diễn ra trên quy mô rộng lớn trong một thế giới đầy rẫy những bất công giữa giàu và nghèo, lạc hậu và phát triển.
Trước tình hình đó, đất nước ta đã chủ động hội nhập trên quy mô rộng lớn, thúc đẩy và phát huy cao nhất trí tuệ và tài năng con người, từng bước tiếp cận những giá trị văn minh và tiến bộ vĩ đại của khoa học kỹ thuật, để thực hiện khát vọng cháy bỏng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chính vì lý do này mà hơn bao giờ hết, chúng ta tôn vinh mọi tài năng và phẩm giá con người. Trong đó quốc sách hàng đầu là giáo dục. Hạt nhân của nó là văn hóa khoa học cùng đội ngũ trí thức giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.
Cần phải nhấn mạnh rằng thời đại càng phát triển, càng hội nhập sâu rộng thì vai trò của giới tinh hoa càng quan trọng. Nhưng để sử dụng người tài, phát huy tối đa tài năng trí tuệ của họ, điều kiện cần thiết và tiên quyết là phải có một cách nhìn đúng đắn, minh triết và khôn ngoan của người lãnh đạo. Vấn đề này xưa nay từng đặt ra, nhưng không phải lúc nào, thời đại nào cũng thành công.
Cổ nhân có câu “Dụng nhân như dụng mộc”. Ý nói dùng người cũng như người thợ mộc chọn gỗ làm đồ. Mỗi loại gỗ, loại cây đều có công dụng khác nhau, cho nên phải theo công năng, tính chất và mục đích của loại đồ đó mà lựa chọn loại gỗ phù hợp, chính xác để đạt hiệu quả cao nhất... Tào Tháo là một người có tài kinh bang tế thế ở Trung Hoa thời cổ và nổi tiếng về thuật dùng người. Với ông, người tài là báu vật nhưng phải trung thành, dám hy sinh quyền lợi cá nhân vì đại cục. Ông không phân biệt thành phần xuất thân và luôn tuân theo nguyên tắc “đã dùng là phải tin”. Chính vì trọng người tài, tin người tài, chăm sóc nâng đỡ người tài mà nhiều anh hùng hào kiệt đã tập trung xung quanh Tào Tháo, giúp ông làm nên nghiệp bá.
Ở nước ta, thời nào cũng xuất hiện những tài năng lỗi lạc. Họ chính là nguyên khí quốc gia, mang lại niềm tin và sức mạnh cùng nhân dân lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử. Chính vì có hiền tài mới có thành công. Hiền tài cũng không phải từ trên trời xuống mà sinh ra từ nền tảng vật chất và tinh thần trong nhân dân. Chính mối quan hệ khăng khít giữa bậc hiền tài và nhân dân tạo nên sức mạnh vĩ đại của dân tộc ở vào những thời điểm cam go thách thức nhất.
Vì hiểu sâu sắc giá trị của người tài mà sinh thời Hồ Chí Minh từng viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”, “Muôn việc thành công và thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người khẳng định, kiến quốc cần có nhân tài. Chính vì nhận thức như vậy nên năm 1946, Hồ Chủ tịch viết thư tìm người tài đăng trên báo Cứu quốc.
Cách dùng người của Hồ Chủ tịch rất rõ ràng. Đó là tùy tài mà dùng, dùng đúng người đúng việc để phát huy hết tài năng của họ. Ai có khả năng gì thì đặt đúng chỗ vào vị trí ấy. Như thế người tài mới phát huy được hết sở trường của mình. Lãnh đạo có quyền dùng người tài, nếu biết dùng thì tài nhỏ hóa ra tài to. Không khéo dùng thì tài to hóa ra tài nhỏ... Những tư tưởng của Hồ Chủ tịch về sử dụng người tài hàng chục năm trước đây đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự.
Dùng người tài quả là một vấn đề không đơn giản và nó đòi hỏi phải có một nghệ thuật tài tình. Cách nhận diện người tài hiện nay cũng cần có cái nhìn rộng mở, không bó hẹp ở phạm vi nào. Trong thực tế người tài có ở mọi nơi, mọi ngành, mọi tầng lớp, không phân biệt thành phần, tuổi tác. Một nhà toán học, một nghệ nhân gốm, một nhà thơ, ca sĩ, cầu thủ đá bóng hay nhà khoa học tài hoa có sức ảnh hưởng lớn đều là báu vật của quốc gia. Nhưng “báu vật” cũng phải thường xuyên bồi dưỡng trau dồi, không ngừng rèn luyện, học tập thì mới bền vững. Nếu không tài năng sẽ mai một, khả năng cống hiến cho xã hội giảm sút. Người tài đóng góp cho xã hội bao nhiêu phải được hưởng thụ tương xứng, bất kể họ ở cương vị nào, tuổi tác ra sao. Nếu tài năng không cân xứng với chế độ đãi ngộ sẽ tạo ra bất hợp lý, khiến người tài thì chán nản tiêu cực còn kẻ bất tài thì cơ hội leo cao.
Những tài năng đích thực là những người song hành cùng cuộc sống của nhân dân. Họ thấu hiểu sâu sắc niềm vui và nỗi buồn của nhân dân, từ đó một lòng một dạ tâm huyết với công việc, hết lòng phục vụ nhân dân bất chấp mọi trở ngại thách thức. Vì vậy, đánh giá sử dụng người tài là một vấn đề tối quan trọng của người lãnh đạo. Muốn đánh giá đúng người tài, người lãnh đạo phải có “con mắt xanh”, nhìn nhận và phân định chính xác từng công việc, từng cá nhân dựa trên thực tế cụ thể chứ không thể dựa theo cảm tính.
Người tài cũng không thể làm việc một mình, không làm tất cả mọi việc và làm thay mọi người. Họ cần được tạo điều kiện làm việc tập trung, có quan hệ chặt chẽ với những người tài khác. Mối liên kết giữa những người tài sẽ tạo ra động lực lớn cho sự phát triển chung. Bên cạnh đó, môi trường, chỗ làm việc và cơ sở vật chất kỹ thuật tốt sẽ giúp cho người tài phát huy được hết khả năng để phục lợi ích chung của cộng đồng. Đương nhiên hiệu quả công việc của họ phải phục vụ tốt cho số đông, phải được mọi người công nhận. Nếu không tài năng cũng chỉ là thứ hàng xa xỉ dùng để đánh bóng và trưng diện mà thôi.
Nói như vậy để chúng ta thấy, trong hoàn cảnh đất nước hôm nay, việc coi trọng hiền tài có ý nghĩa vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp tới vấn đề thịnh suy của dân tộc. Nhiều năm qua chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, coi văn hóa khoa học và đội ngũ trí thức là nhân tố đặc biệt quan trọng, nhưng chúng ta không khỏi lo lắng đối với việc đổi mới và các biện pháp giáo dục trên cả nước hiện nay. Hy vọng cùng với chính sách trọng dụng nhân tài, thực sự coi người tài là “nguyên khí quốc gia”, dân tộc ta, đất nước ta sẽ có bước đột phá phát triển vượt bậc, hoàn thành khát vọng cháy bỏng, đưa nước ta sánh vai cùng nhân loại văn minh và thịnh vượng trên thế giới.