Sự nghiệp thăng trầm của cựu thủ lĩnh Yahoo

Trước khi làm CEO của Yahoo và bán công ty này cho Verizon sau 5 năm, Marissa Mayer có sự nghiệp đầy tiếng vang tại tung lũng Silicon...
Sự nghiệp thăng trầm của cựu thủ lĩnh Yahoo

Business Insider cho biết Marissa Mayer sinh năm 1975 tại thị trấn Wausau, Wisconsin, Mỹ, trong gia đình có bố là kỹ sư và mẹ là giáo viên.

Ở trường, Mayer sớm chứng tỏ năng khiếu trong môn toán và khoa học nhưng lại là học sinh khá rụt rè và hướng nội.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Mayer nộp hồ sơ vào 10 trường đại học và đều được nhận, trong đó gồm các trường danh tiếng như Harvard, Yale và Stanford. Bà đã chọn Đại học Stanford nhưng với ước mơ ban đầu là trở thành bác sĩ.

Tuy nhiên, mục tiêu cuộc đời của Mayer thay đổi khi bà tham gia lớp khoa học máy tính. Mayer đã chuyển sang ngành Symbolic Systems (SSP) tập trung vào máy tính và tư duy. Một số cựu học sinh trường Stanford theo học ngành này gồm có Reid Hoffman (LinkedIn), Scott Forstall (Apple) và Mike Krieger (Instagram).

Sau khi tốt nghiệp đại học, Mayer nhận được tới 12 lời đề nghị việc làm, trong đó có Google, khi có mới là một công ty khởi nghiệp nhỏ.

Thời điểm đó, theo tính toán của mình, Mayer cho rằng khả năng tồn tại của Google chỉ là 2%. Tuy nhiên, sau đó, ấn tượng với những người làm việc tại Google cùng những điều có thể học được ở đó, Mayer quyết định đầu quân cho công ty này và đã cống hiến ở đây suốt 13 năm. 

Trong 2 năm đầu tại Google, Mayer thường làm việc 100 giờ mỗi tuần, đồng thời giảng dạy tại trường đại học Stanford.

Sau đó, bà nhanh chóng thăng tiến. Khởi đầu là nhân viên bán thời gian của đội phát triển giao diện người dùng, bà nhanh chóng trở thành quản lý sản phẩm. Năm 2003, Mayer phụ trách mảng phát triển sản phẩm và người dùng của Google, bao gồm công cụ tìm kiếm.

Năm 2005, bà được bổ nhiệm làm phó chủ tịch phụ trách sản phẩm công cụ tìm kiếm và trải nghiệm người dùng của Google.

Mayer từng có thời gian ngắn bí mật hẹn hò với người đồng sáng lập Google, Larry Page. Mối quan hệ của họ được mô tả là “hai người trầm lặng âm thầm hẹn hò”.

Tuy nhiên, phong cách quản lý chi tiết và dựa trên số liệu của Mayer khiến nhiều người bất mãn. Một số đó là Amit Singhal, người đứng sau các thuật toán của công cụ tìm kiếm này. Ông này tới gặp trực tiếp Larry Page và đề nghị loại Mayer khỏi đội công cụ tìm kiếm.

Cuối cùng, Singhal lại là người rời Google và sang làm việc cho công ty khởi nghiệp Uber.

Còn Mayer chuyển sang quản lý đội Google Maps và phát triển sản phẩm tại thị trường Mỹ. Dù vẫn là lãnh đạo cấp cao nhưng nhiều người coi việc điều chuyển đó là “giáng chức” bởi bà không còn phụ trách công cụ tìm kiếm - sản phẩm quan trọng nhất của Google.

Năm 2011, Mayer chính thức rời Google và nhận được lời mời làm CEO của hội đồng quản trị Yahoo. Một số người cũng được cân nhắc cho vị trí này gồm Nikesh Arora, Giám đốc Kinh doanh của Google và Eddy Cue, Phó chủ tịch phụ trách dịch vụ và phần mềm của Apple.

Dù một số người phản đối việc tuyển dụng Mayer, cho rằng bà không có nhiều kinh nghiệm quản lý tài chính của một công ty và thiên về phát triển sản phẩm hơn là một CEO quản lý vận hành. Tuy nhiên, cuối cùng, bà vẫn được bầu làm CEO mới của Yahoo.

Mayer chính thức trở thành CEO Yahoo vào tháng 7/2012 và được kỳ vọng mang lại làn gió mới, vực dậy hãng công nghệ khổng lồ đang trên bờ vực sụp đổ.

Bà nhanh chóng cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo của Yahoo và thay thế bằng người của mình. Tháng 8/2013, một năm sau khi Mayer lên làm CEO, cổ phiếu Yahoo tăng từ 15,74 USD/cổ phiếu lên khoảng 28 USD.

Thành công đó một phần là nhờ số cổ phần Yahoo nắm giữ tại Alibaba. Mayer càng yên ổn hơn khi hãng thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc thực hiện IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu) vào năm 2014.

Dù vậy, Mayer cũng được công nhận đã giúp cải thiện đáng kể hoạt động của Yahoo, từ thiết kế sản phẩm, lượng người dùng cho tới các ứng dụng cốt lõi. Một số người còn cho rằng bà đã thay đổi văn hóa tại Yahoo và khơi lại nguồn hứng khởi tại công ty này.

Tuy nhiên, doanh thu ở các mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo không có dấu hiệu cải thiện.

Chưa kể, Mayer mất đi nhiều lãnh đạo chủ chốt như Giám đốc Marketing (CMO) Kathy Savitt và Giám đốc Kỹ thuật số (CDO) Jackie Reses. Nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi chiến lược thâu tóm của Mayer khi chi gần 3 tỷ USD mua lại các công ty khởi nghiệp như Tumblr và Polyvore. 

Đầu năm 2016, xuất hiện lời đồn đoán cho rằng nhiều công ty từ Comcast, Disney, AT&T… đang dòm ngó thâu tóm Yahoo. Tháng 7 năm đó, Verizon chính thức công bố thương vụ mua lại công ty này với giá 4,83 tỷ USD.

Sau thương vụ này, mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo sẽ hợp nhất với công ty AOL của Verizon để thành lập công ty mới có tên "Oath". Yahoo sẽ giữ lại số cổ phần tại Alibaba và Yahoo Nhật Bản, để gộp thành một công ty độc lập có "Altaba".

Cuối năm 2016, lỗ hổng bảo mật khiến Yahoo bị tấn công trên quy mô lớn gây ảnh hưởng tới 1 tỷ người dùng. Vụ việc này giúp Verizon giảm giá thương vụ mua lại Yahoo xuống còn 4,48 tỷ USD.

Ngày 13/6, Yahoo hoàn tất thương vụ bán mình cho Verizon và bà Mayer cũng chính thức rời khỏi công ty này, kết thúc 5 năm thất bại.

Tin cùng chuyên mục