Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi 13 luật liên quan đến quy hoạch. Ảnh: Nguyễn Văn Điệp |
Các ý kiến đánh giá cao sự cần thiết ban hành Luật để góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh
Trước khi bước vào phiên thảo luận tại tổ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị (gọi tắt là Luật sửa đổi 13 luật liên quan đến quy hoạch).
Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc ban hành Luật sửa đổi 13 luật liên quan đến quy hoạch nhằm tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành. Điều này góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quan điểm xây dựng Luật là bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phảm cụ thể đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh hiện nay nhằm tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch... Đây sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả. Hơn nữa, việc ban hành Luật không làm phát sinh thủ tục hành chính vì một số lĩnh vực không tiếp tục quản lý bằng quy hoạch mà sẽ quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện tại đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật như: sản xuất kinh doanh hóa chất, thuốc lá, dược...
Dự thảo Luật sửa đổi 13 luật liên quan đến quy hoạch bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 01 điều quy định hiệu lực thi hành luật.
Đồng tình cao về sự cần thiết ban hành Luật, trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) tán thành với sự cần thiết ban hành Dự án Luật là để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định về quy hoạch.
Rà soát kỹ lưỡng trong sửa đổi để tránh các xung đột
Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị trong Dự án Luật sửa đổi 13 luật liên quan đến quy hoạch, Báo cáo thẩm tra của UBKT cho rằng, nội dung liên quan đến quy hoạch tại Luật Xây dựng khá nhiều (từ Điều 13 đến Điều 48). Tuy nhiên, Dự thảo Luật chỉ đưa vào sửa đổi, bổ sung 21 điều, khoản, do đó, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm sửa đổi đầy đủ, đồng bộ. Thậm chí có ý kiến kiến nghị, nếu chưa rà soát kỹ lưỡng, chưa có sự thống nhất cao thì cần tiếp tục hoàn thiện, gộp vào cùng các luật còn lại tại phụ lục III Luật Quy hoạch, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc rất quan trọng của Luật Quy hoạch là đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong toàn bộ hệ thống quy hoạch chung về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Hơn nữa, nguyên tắc hoạt động trong quy hoạch là phải đảm bảo thứ bậc trong quy hoạch, tức là quy hoạch cấp dưới phải đồng bộ với quy hoạch cấp trên. “Đây là luật khung về quy hoạch nên tất cả các quy hoạch của các ngành còn lại phải căn cứ luật khung này. Tuy nhiên, tiếc rằng, trong Dự thảo Luật cho thấy việc sửa Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị lại không hề tuân thủ theo nguyên tắc này”, ông Sinh nói.
Dẫn đánh giá tại báo cáo thẩm tra của UBKT, ông Sinh chỉ rõ, tại Điều 5 của Luật Quy hoạch đã quy định quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, trong khi quy hoạch xây dựng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (thuộc Phụ lục II của Luật Quy hoạch) được lập để cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh (Khoản 9 Điều 3 Luật Quy hoạch). Thế nhưng, Dự thảo Chính phủ trình lại cho rằng quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là 2 loại quy hoạch xây dựng. Như vậy là đảo ngược quy hoạch, không theo một trật tự và nguyên tắc trong quy hoạch. Do đó, đề nghị quy định thống nhất với Luật Quy hoạch.
Về giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch, theo UBKT, Luật Quy hoạch quy định về nguyên tắc công khai trong hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị thì khi chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết phải xin cấp giấy phép quy hoạch hoặc khi cần thông tin về quy hoạch phải xin chứng chỉ quy hoạch, trong khi việc lập quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và thông tin quy hoạch cần phải được công khai cho doanh nghiệp và người dân. Trên thực tế, theo Đại biểu Sinh, thủ tục giấy phép quy hoạch đang gây tốn kém cho người dân. Điển hình như tại Hà Nội, người dân muốn xây dựng tại vị trí đất của mình đã được quy hoạch phải mất tới 3 - 4 triệu đồng để xin Giấy phép quy hoạch, rất tốn kém và phiền hà. “Đề nghị nên bỏ loại giấy phép này để đừng hành dân”, ông Sinh kiến nghị.