Sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản: Nhiều đề xuất hạn chế tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 8/11, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu quốc hội khi thảo luận là các nội dung quy định pháp lý nào để hạn chế tiêu cực từ hoạt động đấu giá; việc quản lý Cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia, cũng như cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động đấu giá…
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Xử lý thế nào đối với các tiêu cực trong đấu giá

Thảo luận tại tổ, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng” nên gây khó khăn cho các cơ quan tổ chức đấu giá. Do đó, trong Dự thảo Luật cần có quy định rõ ràng, chi tiết hơn về việc xử lý nhà đầu tư trúng thầu một dự án nhưng lại “bỏ của chạy lấy người”. Bởi nếu khi nhà đầu tư trúng thầu rồi sau đó không đặt cọc mà bỏ thầu thì sẽ gây thất thoát lớn đến việc đầu tư cho dự án, làm mất niềm tin của các nhà đầu tư chân chính khác.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị phân tích, làm rõ những tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu giá và quản lý thuế, tài chính, tín dụng doanh nghiệp, nhất là điều kiện đăng ký tham gia đấu giá, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá. Đại biểu này cho rằng, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá thì không đủ để ngăn chặn những hành vi mang tính chất thao túng thị trường, đầu cơ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Do đó cần có một giải pháp mang tính tổng thể hơn đối với các chính sách về tín dụng, đất đai, doanh nghiệp và đấu giá tài sản để giải quyết các tồn tại hiện nay.

Ngoài ra, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, thời gian qua, hoạt động đấu giá tài sản đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm, bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để thu lợi, tạo nên cơn sốt đất ảo… Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá. Trong thực tế diễn biến của các phiên đấu giá, khi hành vi của các chủ thể không bình thường, dự thảo luật cần quy định hoãn hoặc dừng phiên đấu giá, đại biểu Tạ Thị Yên gợi mở.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mục đích quan trọng của việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản là phải hạn chế được tình trạng trục lợi bên ngoài đấu giá và phải tính đến hiệu quả việc đấu giá. Để làm được điều này, trước hết phải công khai minh bạch từ thông tin tài sản đến người tiếp cận tham gia đấu giá, việc trao đổi giữa người đấu giá với tổ chức đấu giá, tránh tình trạng bưng bít thông tin.

Liên quan vấn đề tăng tiền đặt cọc để tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, quy định này không phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi nếu tăng tiền học thì lại hạn chế người tham gia đấu giá khi họ phải huy động nguồn tài chính lớn.

“Tư cách người tham gia đấu giá rất quan trọng, trong đó có các yếu tố để chứng minh tài sản bảo đảm của người đấu giá. Khi người đấu giá vi phạm, chúng ta sẽ có các cơ chế để xử lý vấn đề này.

Đề xuất tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động đấu giá

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) đề nghị nên sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản, bảo đảm ứng dụng công nghệ vào hoạt động đấu giá. Người đấu giá có thể ở bất kỳ đâu cũng tham gia đấu giá được và thậm chí có thể chấm điểm các thành viên tham gia. "Phải sửa đổi như thế thì luật mới lâu dài được, chứ bây giờ vẫn quy định đấu giá viên ghi phiếu đấu giá rồi bỏ vào hòm phiếu, tức là rất trực tiếp, rất lạc hậu", đại biểu nêu quan điểm.

Đưa ra quan điểm về vấn đề công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động đấu giá, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, hình thức đấu giá rất quan trọng, trong đó việc đấu giá trực tuyến sẽ giúp công khai minh bạch thông tin hơn – đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Tại thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến bày tỏ nhất trí với việc bổ sung quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia tại Dự thảo Luật nhằm phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như: bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu quy định xã hội hóa về Cổng đấu giá tài sản quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp nhằm tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch và chất lượng dịch vụ.

Tin cùng chuyên mục