Sửa Luật Doanh nghiệp: Tạo môi trường an toàn, tin cậy cho DN bứt tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 20/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (DN).
Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Ảnh: Tuấn Anh
Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Ảnh: Tuấn Anh

Đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc sửa Luật góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, tin cậy cho DN bứt tốc, hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Tạo lập môi trường kinh doanh an toàn, tin cậy

Liên quan đến các quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của DN được bổ sung vào Dự thảo Luật trình Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định là rất cần thiết nhằm thể chế hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia với Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế về phòng, chống rửa tiền (FATF). Hơn nữa, thực hiện quy định này còn giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi, an toàn, tin cậy, doanh nhân tự tin phát triển.

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho rằng, đây là vấn đề cấp bách cần phải được đưa vào Dự thảo Luật theo đúng yêu cầu của FATF khi Việt Nam bị đưa vào danh sách xám.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ, việc bổ sung quy định trên là rất cần thiết để thực hiện các biện pháp trong phòng, chống rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố và tăng tính minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Song, đại biểu này đề nghị cần phải quy định cụ thể hơn để có thể nhận diện rõ ràng chủ sở hữu hưởng lợi, người có quyền sở hữu trên thực tế vốn điều lệ hoặc quyền chi phối, điều hành, kiểm soát các hoạt động của DN.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhìn nhận, đây là vấn đề khó vì tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi chưa rõ ràng. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đưa vào khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi và giao Chính phủ quy định chi tiết. Chính phủ đã có Nghị định số 19/2023/NĐ-CP về vấn đề này, áp dụng cho các giao dịch của phía tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng cho biết các tiêu chí còn rất chung chung và khó tuân thủ. Hiện nay, các tổ chức tín dụng vẫn dựa trên cơ sở tự khai báo của khách hàng chứ không có biện pháp nào để xác minh. Nếu quy định DN cung cấp thông tin này cho cơ quan nhà nước sẽ còn khó khăn hơn, thậm chí DN lo ngại đối mặt với nguy cơ bị xử phạt.

Làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm về việc bổ sung quy định chủ sở hữu hưởng lợi vào Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tiếp thu ý kiến của Cơ quan thẩm tra và các đại biểu, Dự thảo Luật đã điều chỉnh khái niệm về chủ sở hữu hưởng lợi của DN theo hướng khái quát và quy định nguyên tắc chung để tương đồng với Luật Phòng, chống rửa tiền, đồng thời đảm bảo yêu cầu của FATF.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi vào Dự thảo Luật nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với FATF. Trường hợp không đưa nội dung này vào Dự thảo Luật, chúng ta có thể có nguy cơ bị FATF đưa vào danh sách đen và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của DN như các tổ chức OECD hay Ngân hàng Thế giới đang sử dụng tiêu chí quy định về chủ sở hữu hưởng lợi để đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của các quốc gia.

Về các tiêu chí để xác định chủ sở hữu hưởng lợi như: tỷ lệ cụ thể sở hữu vốn điều lệ trực tiếp hoặc gián tiếp; quyền chi phối thông qua tỷ lệ biểu quyết, thông qua việc bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự… như đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu và tham mưu cho Chính phủ quy định rõ tại Nghị định hướng dẫn Luật.

Theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính được Chính phủ giao xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật để ngay khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực là có thể triển khai được các quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của DN.

Để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045 bắt buộc phải có sự chuyển dịch đáng kể từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp. Ảnh: Huế Nguyễn
Để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045 bắt buộc phải có sự chuyển dịch đáng kể từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp. Ảnh: Huế Nguyễn

Khuyến khích hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu có ý kiến đề nghị đưa đối tượng hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật và có chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh trở thành DN. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (TP. Hà Nội) nêu ý kiến, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh và hơn 940.000 DN. Như vậy, hộ kinh doanh đang chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành và Dự thảo sửa đổi lần này chưa đề cập đến việc cải cách mô hình hộ kinh doanh, trong khi đây là một nội dung trọng tâm tại Nghị quyết 68-NQ/TW với yêu cầu rất rõ ràng, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình hoạt động DN, xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, đối tượng áp dụng của Luật DN hiện nay là các DN thuộc loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần, DN tư nhân, chưa áp dụng đối với hộ kinh doanh… Gần đây, tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, Bộ Chính trị đã chỉ đạo hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đang xem xét đề xuất trình Chính phủ, Bộ Chính trị và Quốc hội ban hành một đạo luật riêng nhằm xác định địa vị pháp lý, mô hình tổ chức và hoạt động của loại hình này. “Chúng tôi đang suy nghĩ là sẽ đề xuất trình Chính phủ trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội ban hành Luật Hộ kinh doanh để xác định địa vị pháp lý cũng như mô hình tổ chức hoạt động cho hộ kinh doanh”, Bộ trưởng cho biết.

Về chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh thành DN, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị quyết 68, Bộ đã tính toán để đạt mục tiêu 2 triệu DN vào năm 2030 và 3 triệu DN vào năm 2045 bắt buộc phải có sự chuyển dịch đáng kể từ hộ kinh doanh sang DN nhỏ và vừa. Theo đó, trong Nghị quyết đã tính toán đầy đủ những giải pháp, biện pháp để thúc đẩy khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện, khả năng chuyển sang DN như: miễn thuế thu nhập DN cho các DN mới thành lập; hỗ trợ tiền thuê đất; giảm thiểu các thủ tục, điều kiện về kế toán, về lao động, kê khai thuế… Cùng với đó, siết chặt quản lý đối với hộ kinh doanh theo hướng bỏ thuế khoán, thực hiện kê khai, nộp thuế theo doanh thu thực tế như DN, phải xuất hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền…

“Với những giải pháp này, hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình DN sẽ có nhiều ưu đãi, thuận lợi hơn. Chúng ta kỳ vọng việc này sẽ đạt hiệu quả trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Tại phiên họp, làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm về phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN chưa phải công ty đại chúng, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, trước đây, Luật Doanh nghiệp không quy định nội dung này. Tuy nhiên, trong thực tiễn có một số DN, trong đó có những DN chưa phải công ty đại chúng đã lợi dụng việc này, phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động một lượng tiền rất lớn và sau đó xảy ra những vấn đề như không trả được nợ, vỡ nợ, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, trật tự xã hội. Cần phải có đòn bẩy kinh tế để các DN thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn phải có các cơ chế để kiểm soát.

Tin cùng chuyên mục