Ngành hàng không Việt Nam ngày càng khởi sắc với việc ra đời các hãng hàng không mới. Ảnh: Lê Tiên |
Nô nức tham gia “sân chơi” hàng không
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ tăng trưởng ngành hàng không mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và được Airbus dự báo tiếp tục là khu vực phát triển nhanh thứ 2 thế giới trong vòng 10 năm tới.
Trong khu vực này, hàng không Việt Nam đang là ngôi sao sáng về tăng trưởng khi tốc độ tăng trưởng hành khách cao nhất trong khu vực nhờ tiềm năng về du lịch và tỷ lệ người được bay còn thấp. 10 năm trở lại đây, tăng trưởng ngành hàng không Việt Nam bình quân ở mức 17,4%, cao hơn gấp đôi so với mức bình quân của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (7,9%).
Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của thị trường hàng không Việt Nam còn đến từ mức độ cạnh tranh thấp. Hiện tại có 5 hãng cung cấp dịch vụ bay, nhưng chỉ có 4 hãng hàng không thực hiện dịch vụ vận chuyển hành khách thông thường là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar và Bamboo Airways.
Tiềm năng còn lớn thúc đẩy sự bùng nổ của các hãng bay trong thời gian gần đây. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, 2 hãng hàng không đã được thành lập (chưa tính Vinpearl Air), gồm: Công ty CP Hàng không Thiên Minh (thành lập ngày 13/6/2019); Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) do Công ty Lữ hành Vietravel trình hồ sơ thành lập tới Bộ Giao thông vận tải trong năm 2019. Ngoài ra, Hãng hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) cũng đang "xếp hàng" chờ cấp phép.
Sự xuất hiện của Vinpearl Air hứa hẹn sẽ làm cho “cuộc đua” xin giấy phép bay trở lên nóng hơn.
Áp lực gia tăng
Mở rộng quy mô, số lượng hãng bay, nhìn một cách khách quan, sẽ mang lại lợi ích trước nhất cho người tiêu dùng. Bởi miếng bánh thị phần khi phải chia cho nhiều người chơi hơn sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh lớn hơn. Nhưng việc phát triển quá nóng trong một thời gian ngắn cũng mang lại những rủi ro nhất định.
Đầu tiên là vấn đề hạ tầng. Báo cáo tháng 9/2018 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, hiện tại, ba cảng hàng không chính là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng đã chiếm tới 76% tổng lưu lượng hành khách vận chuyển. Trong đó, Tân Sơn Nhất là cảng hàng không lớn nhất, chiếm gần 40% tổng lưu lượng.
Các hãng hàng không khi thành lập phải có sân bay căn cứ, không để xảy ra ùn tắc, quá tải tại các sân bay. Tuy nhiên, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ba năm trở lại đây luôn trong tình trạng quá tải cả về bãi đỗ máy bay lẫn tần suất cất, hạ cánh/giờ. Công suất thiết kế ban đầu của cảng hàng không này là 25 triệu hành khách/năm, vậy mà năm 2016 và 2017, tổng lượng hành khách đã lên tới 32 triệu và 36 triệu khách, cao hơn 38% và 44% so với công suất thiết kế. Vietstar Airlines chọn Cảng hàng không Tân Sơn Nhất làm căn cứ, nhưng trong bối cảnh quá tải của 2 nhà ga hiện tại, nhà ga T3 chưa được xây dựng, nên hãng hàng không này chưa được cấp phép bay.
Sự quá tải về hạ tầng tại Tân Sơn Nhất đang khiến việc mở mới thêm các hãng hàng không trở nên khó khăn, BVSC nhận định.
Còn theo số liệu do Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp dựa trên kế hoạch phát triển của các hãng bay, bao gồm cả hãng bay mới, cho biết, quy mô lượng tàu bay đến cuối năm 2020 có thể đạt 320 chiếc, vượt gần 50% quy hoạch phát triển ngành.
Ngoài áp lực đối với hạ tầng hàng không, câu chuyện "tăng nóng" còn kéo theo những rủi ro khác.
Theo kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào giữa tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành hàng không đã khởi sắc với việc ra đời các hãng hàng không mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định, vẫn có một số bất cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Đồng thời, chất lượng dịch vụ chưa bảo đảm (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều), bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đánh giá năng lực ngành hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt, nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực hạ tầng và nhân lực. Việc thành lập mới hoặc nâng quy mô các hãng hàng không phải bảo đảm yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng,…) cũng như khả năng đáp ứng của hạ tầng hàng không.