Việt Nam là biểu tượng của sức mạnh phát triển nội tại |
Dấu ấn tư duy cải cách trong lịch sử
Một trong những cuộc cải cách đầu tiên được lịch sử ghi nhận là cuộc cải cách nền hành chính của Khúc Thừa Dụ, nhằm tiến tới giành lấy quyền tự chủ và nền độc lập.
Thời kỳ phong kiến bị nhà Đường (năm 618-907, Trung Quốc) đô hộ, đất nước ta khủng hoảng xã hội sâu sắc, nhân dân khổ cực. Nhận thấy chế độ phong kiến nhà Đường cũng đang khủng hoảng nghiêm trọng, phân chia, cát cứ, Khúc Thừa Dụ đã xác định, bọn ngoại xâm chỉ nắm được chính quyền từ trung ương đến quận, huyện, chứ không nắm được đến thôn, làng.
Do đó, muốn giành quyền độc lập thì phải xây dựng chính quyền từ dưới lên, gây dựng từ nhân dân. Từ đó, ông đã tiến hành chia đặt các lộ - phủ, châu - xã, đặt ra chánh lệnh trưởng và tá lệnh trưởng, tức là những xã quan điều hành chính sự từ cơ sở. Đồng thời, định sổ hộ tịch, lập sổ khai hộ khẩu, thực hiện chế độ thuế ruộng, bỏ tức dịch.
Tư duy đổi mới, cải cách đó của Khúc Thừa Dụ đã giúp đất nước từ chỗ giành được quyền tự chủ, tiến lên từng bước xây dựng nền độc lập dân tộc, mà những người kế thừa sau đó từ Dương Đình Nghệ đến Ngô Quyền đã giành được nền độc lập, dựng được Vương quyền.
Đây được xem là cuộc cải cách hành chính thành công đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Sau đó, phải đến thời Lê Thánh Tông mới có một cuộc cải cách hành chính thành công rực rỡ nữa, với chính sách phát triển xã hội kết hợp giữa “văn trị” và “pháp trị”, đặt ra Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng tiến bộ; xóa bỏ cơ chế hành chính nhiều tầng, nhiều cấp với các lộ, trấn, phủ, châu; chia đất nước thành 13 xứ (tương đương các tỉnh sau này), xây dựng nên triều đại Lê sơ thịnh trị vào bậc nhất trong lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam.
Vào cuối thời tiền Lê, Lý Công Uẩn đã tiến hành sự nghiệp đổi mới có thể nói là khá toàn diện. Khi đó, xã hội Đại Việt khủng hoảng, cung đình rối ren, các con vua Lê Đại Hành tranh giành ngôi báu, chém giết lẫn nhau.
Trong bối cảnh đó, Lý Công Uẩn, với sự thông minh, chí khí, khảng khái, thương yêu nhân dân, đã được quần thần suy tôn ngôi Vua, như là một sự “đổi mới” về chính thể triều đại.
Tiếp đó, Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Việc định Đế đô ở Thăng Long được xem như cuộc “đổi mới” về hạ tầng vô cùng quan trọng, có tầm nhìn chiến lược, đưa Thăng Long trở thành kinh đô của nước Đại Việt độc lập, tự chủ, vừa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, mở đầu cho triều đại dài nhất trong lịch sử dân tộc, tồn tại hơn 200 năm (1010- 1225) của nhà Lý.
Sau đó, còn rất nhiều cuộc cải cách, đổi mới trong lịch sử mà trước hết là đổi mới về tư duy, nhận thức trong điều hành đất nước đã được ghi nhận. Có thể kể đến Trần Thủ Độ với công cuộc củng cố vương triều, đổi mới xã hội, chủ trương cho bán một số ruộng công thành tư điền (thế kỷ XIII); cuộc cải cách của Hồ Quý Ly (1395-1407) với các chính sách lớn về ruộng đất hay chính sách rất tiến bộ về kinh tế là phát hành tiền giấy nhằm phát triển kinh tế hàng hóa.
Hay tư duy cải cách rất mới của nhà trí thức Nguyễn Trường Tộ giữa thế kỷ XIX, với nhiều bản “điều trần”, “đề nghị cải cách” tấu trình lên vua quan và phổ biến cho nhân dân. Đó là những nội dung rất mới mẻ và có tầm nhìn, như: canh tân và mở rộng quan hệ ngoại giao; nên mở cửa, không nên đóng kín; bàn về tình thế lớn trong thiên hạ; kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh; kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước…
Rất đáng tiếc là những đề xuất đó của Nguyễn Trường Tộ hầu hết không được vua quan nhà Nguyễn chấp nhận, nên chỉ thực hiện được một vài cải cách nhỏ.
Tuy nhiên, những tư duy cải cách đó của Nguyễn Trường Tộ đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều trí thức đương thời, tới các phong trào duy tân, cải cách của các nhân sĩ, trí thức đầu thế kỷ XX, như chủ trương Khai dân trí, chấn dân khí, thục nhân tài của Phan Bội Châu; chủ trương Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của Phan Châu Trinh; phong trào Đông kinh nghĩa thục do Lương Văn Can đề xướng, hay chủ trương đấu tranh công khai, qua cả nghị trường và báo chí của nhà trí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, với việc ra báo “Tiếng dân”, thông qua Viện Dân biểu để đấu tranh đòi cải cách dân chủ, thực hiện dân quyền...
Các phong trào đổi mới này đã gây được ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh đòi quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp cùng với những hạn chế về phương pháp, về nhận thức, các phong trào này đã không đạt mục tiêu đề ra, nhưng đây chính là tiền đề cho các phong trào cách mạng triệt để, toàn diện trong thế kỷ XX do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khởi xướng, giành được độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Công cuộc Đổi mới thế kỷ XX - Cuộc vượt thoát lịch sử
Nối tiếp dòng chảy Đổi mới, cải cách trong lịch sử dân tộc, thế kỷ XX chứng kiến cuộc Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, được ví như một “Hội nghị Diên Hồng dựng nước”. Dấu ấn của công cuộc Đổi mới lần này vẫn là “đổi mới tư duy”, mà trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, dám “Nhìn thẳng vào sự thật. Đánh giá đúng sự thật. Nói rõ sự thật”.
Công cuộc Đổi mới đó diễn ra trong bối cảnh vô cùng khắc nghiệt. Khắp đất nước, những vết thương chiến tranh còn rỉ máu. Cơ ngơi chưa phục dựng được bao nhiêu. Tình trạng bao vây, cấm vận, cô lập từ bên ngoài cùng những sai lầm, hạn chế của cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp bên trong đã triệt tiêu động lực phát triển, khiến đời sống nhân dân khó khăn, thiếu thốn đủ bề.
Trong 5 năm đầu còn nhiều bỡ ngỡ, tuy thu được những kết quả khả quan, nhưng công cuộc Đổi mới cũng vấp phải nhiều trở lực, đặt ra vô số vấn đề cần tháo gỡ. Đúng lúc đó, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đe dọa trực tiếp tới chế độ xã hội ở Việt Nam bởi nguồn lực hỗ trợ quen thuộc từ bên ngoài đã không còn, lại thêm các thế lực thù địch nhân cơ hội đó tìm mọi cách tấn công, đắc thắng trông chờ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cùng chung số phận. Lịch sử thêm một lần đặt dân tộc Việt Nam vào một cuộc thử lửa có một không hai, thử thách bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.
Nhưng, thêm một lần nữa, dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh, tư duy đổi mới, sáng tạo không gì ngăn cản được. Không chỉ vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng, Việt Nam còn từng bước ổn định, đi lên và đạt những thành quả khiến bạn bè thế giới phải thốt lên những lời thán phục.
Sau 10 năm đổi mới (1986 - 1996), đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; sau 25 năm đổi mới (1986 - 2010), đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân là 7,26%/năm. Giai đoạn 2011-2015, dù gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng GDP bình quân đạt khoảng 6%/năm theo hướng tăng dần qua từng năm.
Trong “Tổng quan về Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới (WB) coi Việt Nam là “một câu chuyện điển hình về phát triển thành công” nhờ công cuộc đổi mới kinh tế và chính trị bắt đầu từ năm 1986.
Riêng trong lĩnh vực giảm đói nghèo - một trong những mục tiêu Thiên niên kỷ khó khăn nhất đối với rất nhiều quốc gia, Việt Nam đã xuất sắc giảm tỷ lệ người nghèo từ 60% trong thập niên 1990 xuống chưa tới 3% hiện nay. Báo Guardian (Anh) nhận định, việc Việt Nam phục hồi và vươn lên sau chiến tranh được xem là một “phép lạ”, đặc biệt trong lĩnh vực giảm đói nghèo.
Còn Trưởng đại diện Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam John Hendra từng thổ lộ: “Việt Nam đã đạt được những tiến bộ “đáng ganh tị” trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Khi đặt chân tới Việt Nam, tôi như “ngợp” trong cảm giác về một đất nước năng động và căng tràn nhựa sống. Thật hiếm thấy một quốc gia luôn hướng tới phía trước và đạt được nhiều thành công về tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ xã hội như Việt Nam. Với tôi, Việt Nam là biểu tượng của sức mạnh phát triển nội tại”.
Trên trường quốc tế, Việt Nam tiếp tục tiến những bước dài và vững chắc với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 170 nước (trong đó xác lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 quốc gia), quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vai trò trong khối ASEAN và các tổ chức quốc tế khác không ngừng được củng cố và nâng cao. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực và trách nhiệm của ASEAN; chúng ta cũng đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); được tín nhiệm bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2007; tổ chức thành công nhiều hội nghị, diễn đàn khu vực và quốc tế, gần đây nhất là Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tháng 4/2015.
Vài nét chấm phá ấy khó có thể nói hết những thành quả lớn lao mà đất nước, dân tộc Việt Nam đã nỗ lực giành được khi thực hiện công cuộc Đổi mới, hội nhập quốc tế.
Thế giới đang không ngừng biến động và cạnh tranh gay gắt với những thời cơ rộng mở kèm nguy cơ tiềm ẩn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, con tàu Việt Nam vẫn đang tiếp tục lướt tới trên dòng chảy đổi mới ấy với những nỗ lực không ngừng nghỉ, nhằm tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh của quốc gia, mở rộng không gian hội nhập, khẳng định vị thế, uy tín, nối tiếp thành quả Đổi mới mà các thế hệ cha ông đã tạo dựng trong lịch sử trường tồn của dân tộc.