Cổ phần hóa với một tỷ lệ rất nhỏ cổ phần nhà nước bán ra bên ngoài thì bản chất doanh nghiệp không thay đổi. Ảnh: Tất Tiên |
Đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã khẳng định như vậy tại Hội thảo Báo cáo kết quả thực hiện Tái cơ cấu kinh tế 2011 - 2015 hướng đến xây dựng Đề án tái cơ cấu 2016 - 2020, vừa được CIEM tổ chức.
Đã thực sự tái cơ cấu?
Báo cáo cho thấy, các điểm sáng đáng ghi nhận nhất trong quá trình thực hiện tái cơ cấu vừa qua là ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ; chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao; môi trường kinh doanh có sự cải thiện; tăng trưởng kinh tế phục hồi; hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể...
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô thuộc CIEM nhận định: Môi trường kinh doanh và đầu tư đã được cải thiện; cơ quan công quyền đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Chuyển dịch trên cơ cấu thu của ngân sách nhà nước cũng chuyển dần sang hướng tích cực, không còn phụ thuộc vào thu từ dầu thô và bán tài nguyên, đất đai; sự chuyển dịch của đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng là điểm sáng đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết kỷ luật đầu tư công, chứ chưa tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư; tốc độ cổ phần hóa còn chậm, những ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang là yếu tố làm méo mó thị trường; quá trình xử lý nợ xấu kéo dài và cơ chế xử lý nợ xấu thiếu minh bạch.
“Những vấn đề cốt lõi của thế chế kinh tế chưa được chạm đến. Vẫn còn tình trạng phân tán quyền lực tại các cơ quan nhà nước, thiếu sự phối hợp và thiếu người chịu trách nhiệm. Tư duy ưu đãi DNNN vẫn là chủ đạo, phân bổ nguồn lực đầu tư công vẫn chủ yếu do Nhà nước mà chưa sử dụng cơ chế thị trường. Hệ thống ngân hàng thương mại bộc lộ nhiều lỗ hổng lớn” - TS. Nguyễn Tú Anh nhận xét thêm.
Đánh giá về một số kết quả đạt được trong Báo cáo của CIEM, bà Phạm Chi Lan chỉ rõ: “Báo cáo viết có phần hồng quá”. Cụ thể, theo bà Phạm Chi Lan, kết quả lạm phát được cho là giảm nhưng sự giảm này là do cầu nội địa thấp, giá dầu thế giới giảm, chứ không phải hoàn toàn do chính sách vĩ mô; cùng với đó chúng ta có 2 năm xuất siêu thì không thể nói là đã chấm dứt được 2 thập kỷ nhập siêu được, và 2 năm xuất siêu chỉ là “hiện tượng” trong ngắn hạn do cầu nội địa xuống thấp mà thôi.
Cần thay đổi thực chất và mạnh mẽ hơn
“Chúng ta phải thay đổi đủ toàn diện, đủ mạnh và nhất quán để hiện thực hóa cơ hội, chuyển thách thức và điểm yếu thành cơ hội, đó là trọng tâm tái cơ cấu 2016 - 2020”, Viện trưởng CIEM khẳng định.
Ông Ray Mallon, Cố vấn cấp cao Dự án Hỗ trợ Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV) thì cho rằng, quá trình tái cơ cấu là kế hoạch và đường đi để đạt được mục tiêu cụ thể hơn. Do đó, trong thực hiện tái cơ cấu cần phải đưa ra những mục tiêu hết sức rõ ràng, cụ thể để thực hiện; tái cơ cấu có trọng tâm; hình thành liên minh cải cách…
Trong thời gian tới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng lớn sẽ cải cách các lĩnh vực DNNN, nhưng không hẳn đã như vậy. Ông Nguyễn Đình Cung phân tích: Đó là do các hiệp định này quá chung chung, không có những yêu cầu hay nội dung cụ thể liên quan đến cải cách thể chế trong nước, trừ quyền tự do lập hội của người lao động. Hay như về DNNN thì chỉ nhấn mạnh đến bình đẳng giữa DNNN của Việt Nam với doanh nghiệp của các nước thành viên TPP, còn những bất bình đẳng, đặc quyền gì đó của DNNN với doanh nghiệp tư nhân thì về cơ bản không có trong Hiệp định… “Họ không ép ta cải cách bên trong, vậy cơ hội là gì?” – ông Cung nêu vấn đề.
FTA nói chung và TPP nói riêng về bản chất là tự do kinh doanh hơn, thuận lợi kinh doanh hơn, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích cuả nhà đầu tư, cạnh tranh bình đẳng, đối xử bình đẳng hơn. Kinh tế thị trường ngày càng tự do hơn, trật tự và bao dung hơn. Do vậy, theo ông Nguyễn Đình Cung, hội nhập trước hết là phải đổi mới tư duy, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn theo hướng kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ.