Ổn định kinh tế vĩ mô nhờ đâu?

BĐT-Trong 3 trụ cột của tái cơ cấu kinh tế là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thì đâu là lĩnh vực tạo thành tựu cho ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua?
 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho thị trường tái phân bổ lại nguồn lực.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, những cải cách về vĩ mô có ghi nhận những cải thiện rõ rệt. Tổng hợp tất cả những dự án đầu tư công thì tỷ lệ dự án bị đội vốn trong giai đoạn 2012 - 2015 so với giai đoạn 2006 - 2011 có giảm, tỷ lệ dự án đúng tiến độ nhiều hơn; ở trụ cột tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì tỷ lệ cổ phần hóa được nhiều hơn (chưa xét tới chất lượng) và đều cao hơn trước; trong lĩnh vực ngân hàng thì tỷ lệ nợ xấu giảm, an toàn vốn đảm bảo, chi trả và thanh khoản đều được cải thiện.

Song, mức độ đầu tư công ít đi thì tăng trưởng cải thiện, hệ số ICOR giảm nhưng mức sinh lợi của từng dự án không thay đổi; cơ chế quản trị nội bộ, tỷ suất sinh lợi của DNNN không thay đổi đáng kể; ngân hàng yếu kém thì vẫn cứ yếu kém… Dựa trên những phân tích như vậy, TS. Nguyễn Xuân Thành đánh giá, tái cơ cấu về chất thì không có sự chuyển đổi nào.

Thực tế thời gian qua nhiều trường hợp nhân danh sự ổn định vĩ mô, rồi không cho vỡ, không cho chết bất cứ cái gì.Bà Phạm Chi Lan

Tại Hội thảo Báo cáo Kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế 2011 - 2015 hướng đến xây dựng Đề án tái cơ cấu 2016 - 2020 vừa diễn ra, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô vừa qua là do thành quả của việc tái cơ cấu ngân hàng, chứ không phải do đóng góp của tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu DNNN.

“Cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cái phá vẫn cần phải phá, cần cho chết vẫn phải cho chết, vì nếu không được chết thì nó sẽ cản trở tái cơ cấu… Thực tế thời gian qua nhiều trường hợp nhân danh sự ổn định vĩ mô, rồi không cho vỡ, không cho chết bất cứ cái gì” – bà Lan thẳng thắn nhận xét.

Không đồng thuận với quan điểm trên, TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nếu so sánh tương quan về 3 trụ cột tái cơ cấu và cho rằng tái cơ cấu ngân hàng là hiệu quả nhất thì chưa thuyết phục. Ông Thành phân tích, nếu nhìn sâu vào hệ thống ngân hàng thì rủi ro ngắn hạn lớn nhất đối với kinh tế vĩ mô vẫn là nợ xấu của các ngân hàng. Nợ xấu của các ngân hàng đã được chuyển sang VAMC và nếu không có VAMC thì nợ xấu là 7,6% vẫn đặt trên mặt bàn của các ngân hàng, đó là chưa kể các khoản khác “chưa lộ ra”.

Thanh minh cho ngành ngân hàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin, 9 ngân hàng yếu kém thì đều đã được tái cơ cấu và đạt được những chỉ tiêu cơ bản, những ngân hàng đang không có phương án tái cơ cấu hay tái cơ cấu không thành công thì đều được Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc. Khi bắt đầu tái cơ cấu thì tỷ lệ nợ xấu có độ chênh lớn giữa những báo cáo, nhưng đến nay những độ chênh này đã sát với nhau, thể hiện sự minh bạch, tiến bộ trong xử lý nợ xấu. “Nếu hệ thống ngân hàng không tốt thì không thể điều hành chính sách tốt như thời gian qua” – vị đại diện này của Ngân hàng Nhà nước khẳng định.