Ông Tống Minh Hợp, Phó Tổng giám đốc Công ty CP 873 Xây dựng công trình giao thông
Khi tổ chức đấu thầu các dự án giao thông trọng điểm, nhu cầu vật liệu lớn, thì giá vật liệu đất san lấp thường được quy định trong hồ sơ mời thầu theo định mức tính toán của Nhà nước, chi phí này đã bao gồm chi phí vận chuyển, lệ phí tài nguyên... Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, giá nhà thầu mua tại thời điểm thi công thường bị “đội” lên rất nhiều so với định mức được quy định tại hồ sơ mời thầu, có thời điểm tăng gấp đôi (từ 80.000 đồng/m3 lên 170.000 đồng/m3). Việc phát sinh chi phí tăng thêm này chủ yếu xuất phát từ chi phí vận chuyển, do một số địa phương quy hoạch các mỏ đất san lấp cách quá xa chân công trình.
Để giảm bớt một phần chi phí, tránh lãng phí nguồn lực, giải pháp có thể tính đến là công trình được triển khai tại địa phương nào thì nên sớm quy hoạch mỏ vật liệu tại địa phương đó. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng ngày càng lớn, vật liệu đất san lấp đang dần thiếu hụt, cùng với đó là quy trình thủ tục phức tạp, kéo dài, qua nhiều khâu, càng khiến việc quy hoạch, cấp phép khai thác mỏ trở nên khó khăn.
Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, về nguyên tắc nhà thầu được phép đề nghị cơ chế bù giá, trên cơ sở chỉ số giá mà địa phương công bố. Tuy nhiên, việc công bố giá và chỉ số giá xây dựng của hầu hết các địa phương hiện nay đều chậm và chênh lệch khá lớn so với diễn biến của thị trường. Thực tế, tại một số đoạn tuyến trên Cao tốc Bắc - Nam phía Đông mà đơn vị chúng tôi đang thi công, có những công trình lỗ đến 20%.