Ảnh Internet |
Mỗi năm một lần, hãng thương mại điện tử hàng đầu thế giới – Amazon đề nghị thanh toán cho các nhân viên làm việc toàn thời gian tại trung tâm hoàn thiện của hãng đến 5.000 USD để rời công ty. Nhân viên đủ điều kiện sau một năm làm việc, tuy nhiên đây là lời cảnh báo dành chọ họ: những người chấp nhận đề nghị này sẽ không bao giờ có thể làm việc tại Amazon nữa.
“Chúng tôi muốn những người làm việc tại Amazon thực sự muốn ở đây”, phát ngôn viên Amazon Melanie Etches cho biết. Amazon đã cung cấp 2.000 USD cho nhân viên đã làm việc một năm và muốn xin nghỉ, và tăng thêm 1.000 USD mỗi năm nếu thời gian làm việc lâu hơn, tối đa là 5.000 USD.
Chương trình này, có tên gọi là “Pay to Quit” (trả lương để thôi việc), lần đầu tiên được đưa ra bởi nhà bán lẻ giày trực tuyến Zappos – công ty Amazon đã mua vào năm 2009. Zappos chỉ đưa ra đề nghị với các nhân viên mới nhất, làm việc trong vài tuần đầu, với mức “thưởng nghỉ việc” là 1.000 USD.
Amazon cho biết hãng không thực sự muốn nhân viên chấp nhận đề nghị ngày. Thực tế, trên bản ghi nhớ có dòng chứ “Xin đừng nhận đề nghị này”, theo nhà sáng lập kiêm CEO Jeff Bezos.
Vậy tại sao Amazon vẫn đưa ra đề nghị này?
Trong lá thư được gửi tới cổ đông vào năm 2014, ông Bezos có viết: “Mục tiêu của đề nghị này là khuyến khích nhân viên dành thời gian và suy nghĩ những gì họ thực sự muốn”. Amazon cho biết rất ít người đã chấp nhận đề nghị này.
Nếu tính đến các khoản chi phí cao liên quan đến tiền lương nhân viên, việc trả một khoản tiền lớn để nghỉ việc dường như là một chiến lược kinh doanh phản trực giác. Tuy nhiên, theo chuyên gia văn hóa công sở và là tác giả của cuốn sách “Nơi làm việc tuyệt vời: Cách xây dựng, gìn giữ nó và tại sao nó quan trọng” – ông Michael Burchell, phương pháp này thực sự tăng cường sự gắn bó của nhân viên và đem lại hiệu quả lâu dài.
Ông Burchell cho rằng, sự gắn kết của nhân viên thường có xu hướng vì 2 yếu tố: cam kết ở lại và nỗ lực tùy tình hình thực tế. Chương trình “Pay to Quit” có thể không nhất thiết đẩy nhân viên làm việc chăm chỉ hơn, mà nó sẽ giải quyết vấn đề cam kết gắn bó với công ty.
“Nếu bạn chọn không nhận tiền và ở lại, điều này có nghĩa bạn đã cam kết với tổ chức và cam kết với công việc của mình”, ông Burchell cho hay. Trên thực tế, cá nhân từ chối đề nghị này là họ đã “ký xác nhận” về mặt tinh thần với công ty. Điều này giúp họ gắn kết hơn, làm việc hiệu quả hơn, từ đó lợi nhuận của Amazon sẽ tăng lên.
Theo ông Burchell, bằng việc đưa ra đề nghị này, Amazon có thể loại bỏ những nhân viên lười nhác. Mặc dù sẽ tốn nhiều chi phí trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới trong ngắn hạn, song điều này sẽ có giá trị đối với Amazon về mặt tài chính trong tương lai.