Tại sao kinh tế Trung Quốc đang chậm lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 2023 được coi là năm mà nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ do đại dịch Covid-19 và bùng nổ trở lại để giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Nhưng thay vào đó, nước này đang đối mặt với loạt vấn đề: chi tiêu của người tiêu dùng trì trệ, thị trường bất động sản chao đảo, xuất khẩu sụt giảm trong bối cảnh Mỹ nỗ lực "giảm thiểu rủi ro", tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục và nợ chính quyền địa phương ngất ngưởng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Bloomberg, tác động của những căng thẳng này đã bắt đầu lan tỏa trên toàn cầu, từ giá cả hàng hóa đến thị trường chứng khoán. Tệ hơn nữa, chính phủ Trung Quốc không có những lựa chọn đủ tốt để giải quyết mọi thứ.

Kinh tế không bùng nổ như kỳ vọng

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2023, trong khi kinh tế toàn cầu dự kiến chỉ tăng trưởng 2,8% năm nay. Điều này thoạt nhìn có vẻ con số mục tiêu của Trung Quốc là không quá tệ. Tuy nhiên, thực tế là quốc gia này vẫn áp dụng các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt trong năm 2022 nên mức nền so sánh là khá thấp.

Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc không thay đổi trong tháng 6, trong khi giá sản xuất lại giảm, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm phát. Một vòng xoáy giá cả đi xuống có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Theo Bloomberg, việc kinh tế Trung Quốc không bùng nổ như kỳ vọng là vấn đề toàn cầu. Rất nhiều việc làm và sản xuất của thế giới phụ thuộc vào nước này, do đây là thị trường sản xuất lẫn tiêu thụ rộng lớn. IMF dự báo, Trung Quốc sẽ là nước đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng dự kiến chiếm 22,6% tổng tăng trưởng thế giới - gấp đôi so với Mỹ.

Tác động của Trung Quốc đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới có thể nhìn thấy rõ nhất thông qua hoạt động thương mại. Các nước xuất khẩu khoáng sản như Brazil và Australia đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi chu kỳ thăng trầm của cơ sở hạ tầng và bất động sản Trung Quốc. Giá các mặt hàng chủ chốt bao gồm thép cây và quặng sắt giảm trong năm nay do nhu cầu tại Trung Quốc không tăng mạnh như kỳ vọng của các nhà giao dịch.

Nhu cầu sụt giảm tại Trung Quốc ảnh hưởng đáng kể tới các nhà xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao như Hàn Quốc và Đài Loan. Trong nửa đầu năm nay, các lô hàng xuất khẩu của họ đã giảm 2 con số trong mỗi tháng.

Trong khi đó, sau nhiều năm bị hạn chế bởi Covid-19, du khách Trung Quốc vẫn ít đi du lịch nước ngoài vì thu nhập và niềm tin vào công việc còn yếu, gây tổn hại cho các quốc gia phụ thuộc vào du lịch.

Với nguy cơ lãi suất tiếp tục tăng khiến Mỹ rơi vào suy thoái, viễn cảnh hai siêu cường quốc kinh tế của thế giới đồng thời lao dốc ngày càng lớn, gây thêm nhiều bất an cho toàn cầu.

Rắc rối đến từ đâu

Nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong nhiều lĩnh vực. Dữ liệu được công bố vào cuối tháng 6 cho thấy, hoạt động sản xuất thu hẹp trở lại. Xuất khẩu - vốn bùng nổ trong thời kỳ đại dịch để đáp ứng nhu cầu của Mỹ và châu Âu - đã giảm sút.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Kể từ khi đạt đỉnh kỷ lục 340 tỷ USD vào tháng 12/2021, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm xuống còn 284 tỷ USD vào tháng 5/2023 do lãi suất tăng ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế ở Mỹ và châu Âu. Tình hình trầm trọng hơn do Mỹ tìm cách cắt đứt Trung Quốc khỏi nguồn cung chất bán dẫn tiên tiến và các công nghệ then chốt khác.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã giảm 6,7% trong 5 tháng đầu năm nay, sau khi tăng 1,1% vào năm 2022. Nợ tiềm ẩn của các "cơ sở tài trợ chính quyền địa phương (LGFV)" đang gây căng thẳng cho một số tỉnh thành. Các địa phương đã tăng huy động vốn qua LGFV trong thời kỳ đại dịch vì nguồn doanh thu truyền thống từ bán đất cho các nhà phát triển bất động sản đã cạn kiệt do suy thoái trên thị trường nhà ở.

Người tiêu dùng hậu Covid-19 đang ở đâu

Đầu năm 2023, người ta rất lạc quan rằng Trung Quốc sẽ chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng trong chi tiêu tiêu dùng, được thúc đẩy bởi hoạt động mua sắm sau đại dịch, đi ăn ngoài và đi du lịch. Nhưng trong nửa đầu năm nay, lo lắng về thu nhập và thất nghiệp do tăng trưởng yếu hơn cũng như tác động tiêu cực khi giá nhà sụt giảm đã thúc đẩy mọi người tiết kiệm hơn là chi tiêu.

Trong tháng 6, chi tiêu du lịch nội địa trong kỳ nghỉ lễ hội thấp hơn so với mức trước đại dịch và doanh số bán ôtô sụt giảm so với một năm trước. Một lực cản lớn khác với tiêu dùng là tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 20,8% - gấp 4 lần tỷ lệ thất nghiệp thành thị nói chung. Một phần do Bắc Kinh siết chặt quy định với các công ty công nghệ lớn những năm gần đây, lấy đi con đường sự nghiệp béo bở của nhiều sinh viên trẻ đầy tham vọng mới tốt nghiệp.

Điều gì đang xảy ra với lĩnh vực bất động sản

Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thắt chặt tín dụng đối với các nhà phát triển bất động sản nặng nợ vào năm 2020 để giảm rủi ro cho hệ thống tài chính. Điều này đã đẩy giá nhà đất đi xuống và một số doanh nghiệp địa ốc vỡ nợ.

Tại thời điểm đó, nhiều nhà phát triển bất động sản đã ngừng xây dựng dự án, kéo theo người mua nhà ngừng trả các khoản thế chấp của họ. Sự hỗn loạn này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người Trung Quốc, những người từ lâu đã coi bất động sản là một khoản đầu tư chắc chắn.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch giải cứu thị trường địa ốc vào cuối năm ngoái, nhưng kế hoạch này đã thất bại trong việc giải phóng sức mua của người dân. Tính đến giữa năm 2023, giá nhà mới và nhà cũ đã giảm hàng tháng trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy sự sụt giảm đó thu hút được những người mua nhà để giúp thị trường phục hồi.

Mới đây, Trung Quốc cho biết sẽ mở rộng các chính sách hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản thiếu vốn và vực dậy lĩnh vực này, bao gồm cả việc cho phép hoãn trả nợ trong một năm.

Chính phủ Trung Quốc phản ứng ra sao

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất vào tháng 6 để hỗ trợ tăng trưởng. Động thái bất ngờ này làm tăng kỳ vọng về nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ hơn. Các khả năng được đưa ra bao gồm nới lỏng hơn nữa các hạn chế về tài sản, giảm thuế cho người tiêu dùng, đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn và khuyến khích các nhà sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Kể từ đầu tháng 7, đã có những thay đổi chính sách như kéo dài thời gian giảm thuế cho các phương tiện sử dụng năng lượng mới đến năm 2027. Nhưng mức nợ công cao và chính sách nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản có thể cản trở bất kỳ kế hoạch chi tiêu lớn nào.

Các ngân hàng quốc doanh lớn đã bắt đầu cung cấp khoản vay cho LGFV với kỳ hạn cực dài và tạm thời giảm lãi suất để ngăn chặn khủng hoảng nợ. Một số thành phố đã hạ thấp các yêu cầu thanh toán trước và loại bỏ các hạn chế về việc mua nhiều bất động sản để giúp vực dậy thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, tình trạng thừa cung lớn về nhà ở có nghĩa sẽ mất một thời gian để bất kỳ kích thích bất động sản nào có tác dụng. Với dân số ngày càng giảm và quá trình đô thị hóa chậm lại, có ít yếu tố thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài trong khi phải giải quyết các vấn đề nợ nần, giống như Nhật Bản đã chứng kiến "thập kỷ mất mát" sau khi bong bóng thị trường chứng khoán và bất động sản vỡ tung.

Tin cùng chuyên mục