Tại sao kỷ nguyên lãi suất thấp tại Mỹ có thể sắp kết thúc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất chấp việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm, nền kinh tế số một thế giới vẫn cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc. Đây là một trong những yếu tố khiến các nhà kinh tế đặt câu hỏi liệu lãi suất có bao giờ quay trở lại mức thấp hơn trước năm 2020 hay không, ngay cả khi lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% trong vài năm tới.
Kể từ đầu năm 2022, lạm phát tăng cao đã khiến Fed phải chạy đua để đưa lãi suất lên cao hơn nhiều so với mức trung tính. Ảnh Internet
Kể từ đầu năm 2022, lạm phát tăng cao đã khiến Fed phải chạy đua để đưa lãi suất lên cao hơn nhiều so với mức trung tính. Ảnh Internet

Theo tờ The Wall Street Journal (WSJ), vấn đề nằm ở lãi suất "trung tính" - mức lãi suất mà tại đó cung và cầu tiết kiệm cân bằng, dẫn đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát ổn định.

Lần đầu tiên được mô tả bởi nhà kinh tế học Thụy Điển Knut Wicksell một thế kỷ trước - lãi suất trung tính, trước đây được gọi là lãi suất tự nhiên, là lãi suất thực tế hỗ trợ nền kinh tế ở mức toàn dụng/sản lượng tối đa trong khi giữ cho lạm phát không đổi.

Lãi suất trung tính không thể quan sát được trực tiếp. Thay vào đó, các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách suy luận mức lãi suất này từ hành vi của nền kinh tế. Nếu các khoản vay và chi tiêu tăng mạnh cùng áp lực lạm phát gia tăng, mức lãi suất trung tính phải cao hơn mức lãi suất hiện hành. Ở chiều ngược lại, mức lãi suất trung tính phải thấp hơn.

Cuộc tranh luận về mức lãi suất trung tính không còn quá quan trọng cho đến bây giờ. Kể từ đầu năm 2022, lạm phát tăng cao đã khiến Fed phải chạy đua để đưa lãi suất lên cao hơn nhiều so với mức trung tính. Tuy nhiên, với lạm phát đang giảm trong khi hoạt động kinh tế vẫn ổn định, mức lãi suất trung tính có thể có tầm quan trọng lớn hơn trong những tháng tới.

Nếu mức lãi suất trung tính tăng lên, điều đó có thể khiến lãi suất ngắn hạn cao hơn hoặc trì hoãn việc cắt giảm lãi suất khi lạm phát giảm. Nó cũng có thể giữ lợi suất trái phiếu dài hạn, xác định tỷ lệ thế chấp và nợ doanh nghiệp, cao hơn trong thời gian dài hơn.

Hàng quý, các quan chức của Fed đưa ra dự đoán về một mức lãi suất ổn định trong dài hạn - thực tế là ước tính dựa trên lãi suất trung tính. Dự báo lãi suất trung bình đã giảm từ 4,25% vào năm 2012 xuống còn 2,5% vào năm 2019, sau khi trừ đi tỷ lệ lạm phát 2%, lãi suất trung tính thực tế là 0,5%. Vào tháng 6/2023, tỷ lệ này vẫn ở mức 0,5%.

Theo WSJ, mặc dù mức trung tính không thay đổi, song ước tính của một số quan chức Fed đã tăng lên. Vào tháng 6, 7 trong số 17 quan chức Fed ước tính lãi suất trung tính ở trên mức 0,5% và chỉ có 3 quan chức đưa ra ước tính ở mức thấp hơn. Một năm trước đó, 8 quan chức đưa ra con số ước tính dưới 0,5% và 2 quan chức đưa ra con số trên 0,5%.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Các nhà phân tích nhận thấy ba lý do chính khiến lãi suất trung tính có thể tăng cao hơn so với mức trước năm 2020.

Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế hiện cao hơn ước tính của Fed với dự báo lãi suất dài hạn "tiềm năng" khoảng 2%, cho thấy lãi suất hiện tại ở mức 5,25 - 5,5% là "không quá hạn chế".

"Về mặt lý thuyết, nếu nền kinh tế đang hoạt động cao hơn tiềm năng ở mức lãi suất 5,25%, thì điều đó cho thấy lãi suất trung tính có thể cao hơn chúng ta nghĩ", Chủ tịch Fed Richmond Tom Barkin cho biết. Theo ông Tom Barkin, còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào.

Thứ hai, thâm hụt chính phủ gia tăng và đầu tư vào năng lượng sạch có thể làm tăng nhu cầu tiết kiệm, đẩy mức lãi suất trung tính lên cao hơn. Joseph Davis - Nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Vanguard ước tính, lãi suất trung tính thực tế đã tăng lên mức 1,5% do nợ công gia tăng.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers đã lập luận 10 năm trước rằng, tốc độ tăng trưởng dân số chậm, bất bình đẳng và thiếu cơ hội đầu tư sẽ tạo ra một lượng lớn tiền tiết kiệm, gây áp lực tới lãi suất trung tính. Tuy nhiên gần đây, ông Lawrence Summers cho rằng, mức lãi suất trung tính đã tăng lên do thâm hụt cao hơn và chính phủ đầu tư để chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp hơn.

Thứ ba, các cơ hội đầu tư thúc đẩy năng suất như trí tuệ nhân tạo có thể đẩy lãi suất trung tính lên cao. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư kinh doanh ngày nay khấu hao nhanh hơn và do đó ít nhạy cảm hơn với chi phí đi vay, điều này sẽ làm tăng mức lãi suất trung tính.

Tin cùng chuyên mục