Tận dụng cơ hội từ các FTA để phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai năm đại dịch hoành hành, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, sức chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) từng bước được cải thiện. Nền kinh tế tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 của ngành công thương là thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA, tối ưu hóa cơ hội cho nền kinh tế.
Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Hiệu ứng tốt từ các FTA có hiệu lực

Sau hơn 1 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ Công Thương cho biết, DN Việt Nam đã tận dụng được cơ hội từ Hiệp định. Năm 2021, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2020. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi EVFTA được thực thi như: tôm, gạo, hồ tiêu…

Tương tự, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cũng đang được DN tận dụng tốt. Năm 2021, kim ngạch XK sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt. Điển hình, xuất khẩu sang Canađa đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,5%; xuất khẩu sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 46,1%. Thị trường Peru cũng tăng trưởng bất ngờ về kim ngạch xuất khẩu...

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai - len (UKVFTA) cũng mang lại những “trái ngọt” trong bối cảnh Anh rời khỏi EU, với thương mại 2 chiều đạt gần 6,6 tỷ USD và giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số (xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 24,1%).

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, năm 2021 là năm thứ 3 CPTPP có hiệu lực và là năm đầu thực hiện EVFTA và UKVFTA, Bộ đã đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành mới gần 30 văn bản quy phạm pháp luật ở cấp luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư để thực thi các cam kết. Cho đến nay, về cơ bản Việt Nam đã đi đúng lộ trình thực hiện cam kết, được quốc tế đánh giá cao.

Để thay đổi về chất hoạt động phổ biến và tuyên truyền về FTA, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, Cổng thông tin điện tử về FTA (FTAP) đã đi vào hoạt động với nhiều hoạt động trực tuyến và nội dung liên quan đến cam kết giữa các nước và Việt Nam. Với nỗ lực trên, nhận thức của doanh nghiệp về các FTA đã được từng bước nâng cấp (đã có trên 30% số DN được khảo sát cho biết nhận được thông tin về FTA với EU, trên 25% nhận được thông tin về CPTPP…).

Chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội

Dự báo về năm 2022, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, bối cảnh thế giới có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Tuy vậy, nhiều khả năng nhu cầu hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng. Các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine bổ sung và mở cửa trở lại, làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. “Vì thế, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành công thương năm nay là tập trung khai thác các cơ hội từ các FTA để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế”, Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.

Bà Nguyễn Cẩm Trang cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung thông tin thị trường, phổ biến, tuyên truyền các quy định, các quy tắc xuất xứ trong các FTA, qua đó giúp DN tận dụng được ưu đãi. Cùng với đó, những quy định của thị trường nhập khẩu liên quan cũng sẽ được thông tin tối đa tới DN, người dân thông qua các hội thảo, hội nghị, đặc biệt là FTAP. Mặt khác, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới xúc tiến thương mại theo hướng áp dụng số hóa để phù hợp với tình hình nhằm tìm kiếm đối tác, thúc đẩy xuất khẩu sang các nước thành viên FTA.

Một tin vui với DN là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa chính thức có hiệu lực (ngày 1/1/2022). RCEP chính thức có hiệu lực nghĩa là sẽ mở thêm cơ hội cho DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. 2022 được xem là năm cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu, chế biến, tiêu dùng… lấy lại đà tăng trưởng. Trong bối cảnh này, các FTA thế hệ mới được xem là “đòn bẩy” giúp DN “quay lại đường đua” sản xuất - xuất khẩu nói riêng và góp phần phục hồi kinh tế nói chung.

Tin cùng chuyên mục