Tản mạn về Tết xưa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tết Nguyên đán, hay còn gọi “Tết Cả”, là Tết quan trọng nhất, có ý nghĩa sâu xa, toàn diện với đời sống tâm linh người Việt...
Tết Nguyên đán mang ý nghĩa đặc biệt sâu xa với con người, vạn vật, thắt chặt tình yêu thương, đoàn tụ gia đình, họ hàng, xóm làng. Ảnh: Lê Huy
Tết Nguyên đán mang ý nghĩa đặc biệt sâu xa với con người, vạn vật, thắt chặt tình yêu thương, đoàn tụ gia đình, họ hàng, xóm làng. Ảnh: Lê Huy

Tết!

Tết Nguyên đán, hay còn gọi “Tết Cả”, là Tết quan trọng nhất, có ý nghĩa sâu xa, toàn diện với đời sống tâm linh người Việt. Tết Nguyên đán là tết tiêu biểu nhất đối với chu trình vận hành của vũ trụ, vạn vật, lấy đơn vị năm (mở đầu và kết thúc một năm) cho chu trình mở - đóng. Bởi vậy, Tết Nguyên đán là cơ hội để điều chỉnh cuộc vận hành lớn lao, đồng bộ giữa con người với thiên nhiên bao la quanh ta.

Giao thừa chính là khoảnh khắc hội tụ và phân ly cũ - mới. Đúng lúc ấy, đất trời như rùng mình đột biến, đổi thay kỳ lạ. Mọi vật đang miên man trong bóng đêm câm lặng, nín thở thì chợt vang lên tiếng chuông chùa, rồi hàng ngàn tia sáng vút lên, pháo đủ loại vang rền trời đất. Thời khắc một năm mới đã đến, đốt cháy màn đêm mịt mùng bao phủ, báo hiệu sự chuyển động từ mùa đông khô cằn, buốt giá sang mùa xuân ấm áp trăm hoa khoe sắc, vạn vật tươi non rộ nở, sinh sôi… Vì lẽ đó, Tết Nguyên đán mang ý nghĩa đặc biệt sâu xa với con người, vạn vật, thắt chặt tình yêu thương, đoàn tụ gia đình, họ hàng, xóm làng, thân hữu… Lòng ai cũng hân hoan hướng về Tết như hướng về cõi thiêng liêng, cao cả của con người.

Chợ Tết

Nhắc đến Tết xưa, thú vị nhất, ấn tượng nhất vẫn là chợ Tết. Chợ Tết thường diễn ra vào dịp tháng Chạp (quãng từ 25 - 27). Chẳng đâu đông hơn, vui hơn chợ Tết. Người từ trăm ngả đổ về, tất bật kẻ mua, người bán. Hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại. Bước vào đầu chợ đã thấy hàng lá dong xanh mướt xếp kín hai bên ngõ chợ. Tiếp đến là hàng gạo. Cơ man nếp cái hoa vàng, gạo mùa, tám thơm, dự hương từng thúng kéo dài đến hàng đậu đỗ, lợn, gà, ngan, ngỗng, con cá, lá rau, hoa tươi, quả chín thứ gì cũng có, hầu hết đều của nhà nuôi trồng được.

Hàng đi buôn thì dao, kéo, lược, thớt, nồi niêu, xoong chảo, mộc nhĩ, nấm hương, kẹo, mứt thôi thì trên trời dưới đất là hàng.

Tiếp đến là hàng tranh đủ loại: tranh thờ, tranh chơi, tranh cầu lộc, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ hay tranh bộ tứ bình, tứ nhị… Bên cạnh hàng tranh, mấy cụ già râu tóc bạc phơ, mắt đeo kính trắng, mặc áo the, quần hồng, khăn nhiễu xoài người trên chiếu, phía trước là nghiên mực, ống bút lông viết chữ phúc, chữ lộc hay đôi câu đối cho khách đặt mua. Ngay cạnh là các bà, các mẹ xúm quanh mấy sạp có quần áo may sẵn, chọn mua cho con trẻ chiếc quần, manh áo mới, không quên tạt qua hàng quà mua tấm bánh nếp, bánh giò, bánh bỏng, kẹo vừng về làm quà cho con trẻ...

Chợ Tết xưa chính là ký ức văn hóa quý giá. Ngày Tết, ai đi xa cũng da diết nhớ về cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ấy có chợ Tết gắn liền với hình ảnh đầm ấm của làng quê thuở bé thơ.

Vào Tết

Ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà làm lễ cúng tiễn “ông Công, ông Táo chầu trời”. Quãng 24, 25 lại có lễ cúng ông Vải (tên gọi chung của tổ tiên). Đến 28, 29 Tết, các gia đình tất bật dọn dẹp, sửa sang bàn thờ gia tiên; bố trí, trang hoàng lại nhà cửa sạch sẽ, đẹp mắt; con cháu đi sửa sang mồ mả ông bà; người lớn lo nồi bánh chưng. Ngày bận rộn nhất chính là 30 Tết. Từ mờ sáng, khắp nơi đầu làng cuối xóm inh ỏi tiếng lợn kêu. Nhà nhà mổ lợn. Họ hàng, lối xóm chung nhau “đụng thịt”. Người lớn chia nhau từng phần mang về giã giò, nấu đông, kho tàu, hầm xương, áp chảo... Trẻ con tranh nhau bóng lợn, mang phơi se, thổi căng phồng làm bóng, buộc dây thả tít trời cao. Trưa ngày 30, mọi việc to, nhỏ quan trọng đến mấy cũng phải thu dọn cho bằng xong. Vào giữa trưa, mâm cỗ cúng trịnh trọng dâng lên. Chủ lễ quần áo trang nghiêm đứng trước ban thờ khấn. Con cháu đông đủ chỉnh tề. Lễ khấn xong, mọi người theo thứ bậc lần lượt dâng hương bái lạy tổ tiên… Ngày 30 là một ngày mà mọi người dân Việt trong nội tâm sâu kín đều chộn rộn, xốn xang thể hiện qua việc làm đã trở thành cổ tục ở mỗi nhà, mỗi làng, đa dạng nhưng thống nhất trong tổng thể.

Giao thừa là thời điểm trọng đại và xúc động. Khắp nơi từ nhà đến đình, chùa đều nhất loạt làm lễ tôn nghiêm, dâng hương đón mời vị thần mới, chính là ông Công, ngày 23 tháng Chạp đi tâu trình mọi việc thế gian với Ngọc Hoàng, nay trở về hạ giới. Giao thừa cũng là thời điểm đất trời giao cảm, hòa hợp âm dương, khởi động cho cuộc vận hành mới của muôn loài trong vũ trụ.

Sáng ngày mồng 1 Tết, trong nhà, mâm cơm cúng ông bà, ông Vải bày sẵn gọi là lễ “chính đán”. Lễ “chính đán” là lễ cúng long trọng nhất mở đầu cả năm nên mâm cỗ đầy đủ, tươm tất. Vì quan niệm tốt xấu, thành bại quyết định bởi ngày thiêng liêng này, nên nhà nào cũng mong người đến xông đất là người tốt, có đạo đức, sáng sủa, phát đạt thì mới “ăn nên làm ra”. Cùng với việc xông đất, ngày mồng 1, mọi người giữ gìn cho mọi sự an lành, đẹp đẽ, không để xảy ra điều dữ sợ sẽ thành “dớp”. Bởi thế phải kiêng quét nhà, chửi mắng, đòi nợ; kiêng cho lửa, cho mượn đồ, làm vỡ bát đĩa, kiêng khóc than; kiêng những người có tang đến làm khách… Người ta mừng tuổi cho trẻ em, chúc thọ người già, ai ai cũng vui vẻ nhận và cho.

Ngày mồng 1, mọi hoạt động chỉ trong nội bộ gia đình. “Mồng một thì ở nhà cha/Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thày”. Đối với trẻ em thì “Mồng một chơi nhà/Mồng hai chơi ngõ/Mồng ba chơi đình”. Trong các ngày mồng 1, 2, 3, ngày nào cũng dâng hương cúng lễ, nhưng quan trọng nhất là mồng 1 và mồng 3. Mồng 3 là ngày cúng cuối cùng để cảm tạ tổ tiên về với con cháu, nay tổ tiên đi. Cúng xong thì hóa vàng mã, coi như việc cúng lễ ngày Tết được hoàn tất…

Ra Tết

Ra Tết hiểu theo nghĩa mọi nhà hóa vàng tiễn tổ tiên đi là xong, nhưng đấy là ở trong nhà, còn ở ngoài làng thì Tết lúc này mới thật vui tươi, náo nhiệt. Khi đó, làng bắt đầu mở hội xuân, mọi người vui vẻ du xuân, thưởng xuân, đi thăm hỏi, chúc tụng nhau, tham gia các lễ hội như lễ động đất (bắt đầu cho một vụ trồng cấy mới). Ở miền núi, trung du có lễ khai sơn (mở cửa rừng). Ở vùng biển có lễ cầu ngư (lễ cúng cá ông và biển cả bình yên), lễ khai bút, lễ khai khẩn… Tóm lại, từ mồng 4 Tết trở đi, mọi người đi chơi thăm hỏi tùy thích. Người ta tổ chức hội làng với các trò chơi dân gian rất sinh động như ném còn, vật võ, múa kiếm, kéo co, đánh cờ tướng, chọi gà… Rất nhiều trò chơi, lễ hội vui vẻ được bày ra, đáp ứng nhu cầu vui chơi sau một năm làm lụng vất vả, cực nhọc. Tết thực sự kết thúc vào ngày mồng 7, là ngày lễ khai hạ (lễ hạ cây nêu). Đây có thể là bữa ăn cuối cùng kết thúc Tết, nên con cháu tề tựu đông đủ, sau đó mọi người trở về với công việc thường ngày.

Một điều dễ nhận thấy, Tết là dịp cầu mong bình an, may mắn, khao khát hướng đến hưng thịnh, cái đẹp, lối sống tốt lành. Đó cũng là truyền thống, là văn hóa, một sinh hoạt xã hội có quy mô lớn, vượt qua không gian và thời gian, tạo nên sức mạnh cố kết cộng đồng, tồn tại bền vững trong tâm hồn người Việt xưa và nay.