Tinh thần tận tâm giúp đỡ doanh nhân được nêu trong thư Bác Hồ gửi giới công thương vào năm 1945 và đang được tiếp nối ngày càng rõ rệt. |
Tinh thần tận tâm giúp đỡ doanh nghiệp được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ ngay trong Thư gửi giới công thương Việt Nam vào năm 1945 và đang được tiếp nối ngày càng rõ rệt. Giới công thương hẳn sẽ tự hào và ý thức trách nhiệm khi vị thế và vai trò của doanh nhân ngày càng được khẳng định, tôn vinh.
Tận tâm giúp đỡ doanh nhân
61 năm về trước, vào ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới công thương Việt Nam. Bức thư có nội dung nhấn mạnh vai trò to lớn của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước: “Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bức thư gửi giới công thương sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa ra đời được hơn một tháng đã khẳng định Chính phủ, nhân dân và cá nhân Bác sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân. Bức thư viết: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp (DN) thịnh vượng”.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khi nói về Bức thư đã cho rằng “tận tâm” là hai chữ "đắt" nhất trong bức thư của Bác. Bức thư là thông điệp rất rõ ràng, đồng thời là lời khẳng định về vai trò quan trọng của giới công thương trong công cuộc xây dựng đất nước. Và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, dù có lúc khó khăn, thăng trầm, nhưng tựu chung lại, giới doanh nhân ở nước ta đã ngày càng được nhìn nhận, khẳng định đúng vai trò trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một trong những hành động thể hiện sự coi trọng vai trò của giới doanh nhân mà Chính phủ lâm thời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó người đi tiên phong là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm, đó là tạo điều kiện để doanh nhân được tham gia công cuộc kiến thiết đất nước, xóa bỏ những rào cản về lối suy nghĩ cản trở sự tham gia công cuộc này của doanh nhân.
Năm 1945, nước ta có trên 2 triệu người chết đói. Cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, cả nước chỉ có 12 công trình thủy nông nhỏ, đảm bảo tưới cho 15% diện tích canh tác, không có công trình tiêu úng nên lũ lụt thường xuyên xảy ra, bình quân 2 năm 1 lần vỡ đê. Trong những ngày tháng hết sức khó khăn đó, để phục vụ tăng gia sản xuất, Chính phủ lâm thời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xác định điều cấp bách trước mắt là phải hàn khẩu xong các quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới. “Việc này không thể chỉ dùng nhân lực mà còn cần có những chuyên gia. Nhà nước quyết định cho đấu thầu việc đắp đê. Chủ thầu phải là những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này”. Tuy nhiên, cách làm này đã vấp phải nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những quan điểm cho rằng không nên dùng thầu khoán đắp đê, vì thầu khoán là bóc lột nhân công. Trong hồi ký của nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ Nguyễn Xiển, người trực tiếp điều hành việc đắp đê, có nhắc lại những ý kiến như vậy: “Làm cách mạng mà còn dùng thầu khoán? Thầu khoán là bóc lột nhân công”. Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải tỏa những băn khoăn, khẳng định cách nhìn mới, tiến bộ về các nhà thầu, về giới công thương trong câu trả lời của Bác đối với câu hỏi được ông Nguyễn Xiển nêu nhân một chuyến đi thị sát đắp đê. Bác nói: “Thầu khoán đắp đê lúc này là yêu nước”.
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp tính đến tháng 9/2016 (Nguồn: Bộ KH&ĐT)
Khẳng định vai trò, vị thế của doanh nhân
Vai trò và vị thế của doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng được khẳng định rõ. Đặc biệt là nhiều chuyên gia và doanh nhân cho rằng, từ khi Luật Công ty và Luật DN tư nhân ra đời (năm 1990) và tiếp đó Luật DN1999 đã mở ra thời kỳ phát triển mới của các DN và giới doanh nhân. Cùng với đó, nhằm ghi nhận, tôn vinh vai trò quan trọng của giới doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngày 20/9/2004, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định chọn 13/10 làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
Năm 2013, vai trò và vị trí của doanh nhân được Hiến định, một lần nữa tái khẳng định và nâng cao vị trí của giới doanh nhân. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, DN và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước” (Khoản 3 Điều 51).
Tiếp đó, Luật DN 2014 đã cụ thể hóa hơn nữa tinh thần của Hiến pháp 2013. Và việc sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh lần này đã và đang tiếp tục mở đường, tạo hành lang pháp lý cho hàng loạt DN Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Trong sự chuyển biến đó, xây dựng “Nhà nước kiến tạo và phát triển”là nhiệm vụ lớn được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ công tác của ông trên cương vị người đứng đầu Chính phủ. Tinh thần phụng sự DN được nhấn mạnh trong các hành động của các cơ quan nhà nước. Các cấp chính quyền đã và đang vào cuộc hưởng ứng chủ trương tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Giai đoạn từ nay đến năm 2020 là bước đệm cận kề có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo bước chuyển lớn cho DN Việt chuẩn bị tham gia sâu vào các cam kết của các hiệp định thương mại tự do. Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đang có những hành động thể hiện cam kết hỗ trợ DN.
Chính phủ cũng đang có nhiều nỗ lực xây dựng các chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp, tạo thành những “vườn ươm” cho phong trào khởi nghiệp. Tinh thần “phụng sự DN” đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng quán triệt trong toàn Ngành. Mới đây, tinh thần này cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Lễ ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN giữa VCCI và UBND 32 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Nhìn lại chặng đường mà doanh nhân nước ta đã đi qua và đang hướng tới, từ thời phong kiến, doanh nhân dường như được xếp ở thang bậc sau cùng trong các tầng lớp của xã hội, thể hiện qua câu nói quen thuộc “sĩ - nông - công - thương”, trải qua các giai đoạn lịch sử, vai trò và vị thế của giới doanh nhân ngày càng được nâng cao. Sự phồn thịnh của đất nước luôn gắn liền với sự thịnh vượng của các DN. Trong bối cảnh mới, câu nói của Bác Hồ trong bức thư gửi giới công thương vẫn nguyên giá trị: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà DN thịnh vượng”.