Do khu vực sản xuất của Trung Quốc chững lại, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đang phải dựa vào một động cơ tăng trưởng nguy hiểm hơn, đó là tín dụng.
Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các ngân hàng cho vay trong khi khích lệ người dân và các doanh nghiệp chi tiêu.
Điều này nghe có vẻ quen quen? Chính nước Mỹ cũng đã thực hiện như vậy trong nhiều năm qua, thúc đẩy người dân mua nhà, ô tô và tất cả mọi thứ khác bằng tín dụng. Các khoản nợ tích lũy dần đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc Đại Suy thoái.
Các nhà đầu tư nổi tiếng như ông trùm quỹ đầu tư phòng ngừa rủi ro Jim Chanos đang cảnh báo rằng Trung Quốc đang đùa với lửa.
Theo một số liệu công bố trong tuần này, các khoản vay mới tại Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 2,51 nghìn tỷ Nhân dân tệ (380 tỷ USD) trong tháng 1/2016.
Hoạt động cho vay thường tăng mạnh vào đầu năm vì chính phủ thường tăng hạn mức cho vay đối với các ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, mức tăng này của tháng 1 cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, và diễn ra sau nhiều tháng tăng cho vay mạnh.
Nếu tình trạng này được duy trì, nó sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những tháng tới. Tuy nhiên, khi các khoản vay tăng vọt, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một rủi ro, đó là nguy cơ vỡ nợ.
Chuyên gia kinh tế Brian Jackson của hãng IHS Global Insight tại Trung Quốc cho rằng nếu hoạt động cho vay mới tiếp tục tăng mạnh, nó sẽ làm tăng mối quan ngại đang ngày càng nặng nề về mức nợ của Trung Quốc.
Các khoản nợ xấu đã tăng hơn 50% kể từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2015. Đây là một mức tăng rất lớn, đặc biệt là ở một đất nước mà số liệu thống kê thực không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.
Trong một báo cáo đặc biệt năm 2015, công ty kiểm toán PwC cho rằng nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc tăng là kết quả trực tiếp của 5 năm cho vay chưa từng có và một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Có hai mối lo ngại chính đáng về sự bùng nổ nợ của Trung Quốc: thứ nhất là mức độ phát triển của nó. Thứ hai là liệu các ngân hàng của Trung Quốc có đủ sức khỏe để đối phó với một làn sóng vỡ nợ hay không.
Ông trùm Chanos cảnh báo rằng mức nợ của Trung Quốc vẫn tăng 2-3 lần nền kinh tế mỗi năm.
Đến một điểm nào đó, các khoản nợ sẽ đến hạn. Do nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nên ngày càng có nhiều lo ngại rằng người dân và các doanh nghiệp sẽ không có khả năng trả nợ, và đó là lý do tỷ lệ vỡ nợ sẽ trở thành một số liệu thống kê chủ chốt.
Bài học từ Mỹ năm 2008 cho thấy khi các vụ vỡ nợ tăng vọt, các ngân hàng thường không phải luôn sẵn sàng đối phó với nó.
"Không ai biết các ngân hàng Trung Quốc yếu và xấu đến mức độ nào vì chẳng ai biết chất lượng cho vay", Gordan Chang, một luật sư và là tác giả của báo cáo "Sự sụp đổ của Trung Quốc đang đến."
Nhiều ngân hàng trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, đã và đang phải tăng dự trữ tiền mặt để ngăn chặn nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính khác, nhưng không chắc liệu Trung Quốc có làm như vậy.
Chính quyền Bắc Kinh đã từng bước rút lại những bảo đảm ngầm vốn đã hỗ trợ cho hệ thống tài chính của Trung Quốc. Trong năm 2014, các nhà đầu tư đã phát hoảng khi một công ty năng lượng mặt trời quy mô nhỏ không trả được nợ, trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên bị phá sản. Đã có một vài vụ phá sản nhỏ kể từ đó.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng chính phủ Trung Quốc có khả năng sẽ can thiệp để ngăn chặn sự sụp đổ mang tính hệ thống của các ngân hàng hoặc các doanh nghiệp quan trọng.
Trung Quốc có lượng tiền dự trữ khổng lồ, và nợ chính phủ - hiện ở mức khoảng 43% GDP - vẫn tương đối thấp nếu tính theo tiêu chuẩn toàn cầu.