Tăng lãi suất, Mỹ tạo thêm gánh nặng cho các đối tác thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong năm nay. Mặc dù đây có thể là hướng hành động tốt nhất cho nền kinh tế Mỹ, nhưng việc tăng lãi suất ở mức độ lớn liên tục đang kích hoạt những yếu tố khó lường và tạo gánh nặng cho các đối tác thương mại của nước này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Lãi suất cao hơn của Mỹ đã củng cố đồng USD, làm trầm trọng thêm lạm phát ở những nơi khác bằng cách tăng giá hàng hóa thường được định giá bằng đồng bạc xanh.

Một "cuộc chiến tiền tệ đảo ngược" đang diễn ra với các cơ quan quản lý tiền tệ trên toàn thế giới đã bỏ mức tăng 25 điểm cơ bản như thường lệ, thay vào đó là các mức tăng cao hơn, 50 hay 75 điểm cơ bản, thậm chí là 100 điểm cơ bản để ngăn chặn sự sụt giảm của các đồng tiền so với đồng USD.

Mặc dù việc tăng lãi suất là cần thiết để dập tắt lạm phát, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng, điều này có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái kinh hoàng khiến các nước nghèo nhất thế giới có nguy cơ sụp đổ.

WB mô tả tình hình hiện tại giống với đầu những năm 1980, khi lãi suất toàn cầu tăng vọt và thương mại thế giới sụt giảm, làm bùng phát cuộc khủng hoảng nợ Mỹ Latinh và làn sóng vỡ nợ ở châu Phi cận Sahara.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác đã triển khai các làn sóng kích cầu hết này đến lần khác. Điều này khiến lãi suất toàn cầu ở mức cực thấp trong nhiều năm qua. Kết quả của điều đó - cùng với đại dịch - là mức nợ quốc tế gần với mức cao nhất mọi thời đại.

Khi chi phí tài chính tăng lên, ngày càng nhiều quốc gia nghèo nhất trên thế giới phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB. Trong khi đó, Trung Quốc đang cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá hàng chục tỷ USD cho những nước như Sri Lanka, Pakistan và Argentina.

Một số nhà kinh tế muốn nhận thức rõ hơn về tác động lan tỏa của chính sách tiền tệ và hợp tác quốc tế hơn.

Raghuram Rajan, cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho biết: “Nếu một quốc gia nghèo hơn đi vay trong thời kỳ tốt vì lãi suất toàn cầu thấp, thì Mỹ có trách nhiệm gì đối với cái đó? Chúng tôi cần tìm một phạm vi thoả hiệp”.

Tuy nhiên, rất khó để thấy Fed có thể làm gì ngoài việc tăng lãi suất. Khi được hỏi về những tác động toàn cầu đối với các hành động của Fed về việc tăng lãi suất hôm 21/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định, ông có nhiệm vụ giảm lạm phát trong nước và bảo vệ việc làm trong nước, dù nhận thức được những gì đang diễn ra ở nơi khác. Rõ ràng từ các dự báo kinh tế của mình, Fed tin rằng, cách tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ đó là áp đặt mức tăng 75 điểm cơ bản nữa vào cuộc họp tiếp theo, tiếp theo là tăng thêm 50 điểm cơ bản trước khi năm nay kết thúc.

Daniela Gabor, giáo sư tại Đại học West of England đã đề cập đến một kỷ nguyên của "ngân hàng trung ương Zugzwang”. Theo đó, sự kết hợp mang tính tiêu cực giữa lạm phát kéo dài và tăng trưởng chậm lại đã khiến các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với tình huống phổ biến đối với những người chơi cờ vua gọi là Zugzwang - không còn cách nào khác ngoài việc phải đi nước cờ bất lợi cho bản thân. Với lạm phát ở Mỹ vẫn còn hiện hữu, việc tăng chi phí đi vay có vẻ như là điều ít tồi tệ nhất.

Tin cùng chuyên mục