Ảnh minh họa: Internet |
Theo một số chuyên gia kinh tế, đã đến lúc cần có giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động trong toàn xã hội.
Năng suất lao động còn rất thấp
Đánh giá về NSLĐ của Việt Nam hiện nay, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, NSLĐ của chúng ta còn rất thấp. Chúng ta là một nước đi sau so với các nước trong khu vực, mặc dù đã có cố gắng rượt đuổi nhưng không được nhanh như kỳ vọng. Từ năm 2008 - 2016, NSLĐ trung bình của Việt Nam chỉ tăng 22,5%. Trong khi đó, để có sự tăng trưởng vượt bậc thì đáng lẽ NSLĐ phải tăng gấp đôi. Có thể nói, NSLĐ của Việt Nam có tăng, nhưng tăng chậm và đang ở mức thấp.
Xét trong 3 khu vực kinh tế, PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng thuộc Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, doanh nghiệp (DN) nhà nước có NSLĐ cao nhất, tiếp đến là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thấp nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước, mặc dù chiếm số lượng rất lớn.
Về cơ cấu ngành, NSLĐ cao chủ yếu tập trung ở những ngành khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên như khai khoáng, dầu mỏ...; hay những ngành có cấu trúc đặc biệt như ngân hàng... Ngược lại, những ngành cốt lõi như công nghiệp chế biến, chế tạo mong muốn có NSLĐ cao lại đạt kết quả thấp, thậm chí là rất thấp so với các nước trong khu vực, có khoảng cách rất xa so với các nước phát triển.
Cải cách đột phá năng suất lao động khu vực tư nhân
Sở dĩ khu vực kinh tế ngoài nhà nước có NSLĐ thấp nhất, theo lý giải của PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, một phần là do sự liên kết giữa khu vực này với các DN FDI còn thấp. DN nhà nước mặc dù có NSLĐ cao, nhưng thực chất không phải do khu vực này hoạt động hiệu quả, đổi mới sáng tạo, mà chủ yếu do thâm dụng về vốn lớn, độc quyền. NSLĐ của Việt Nam thấp còn do tư duy xây dựng chính sách quy hoạch ngành lạc hậu đã kéo lùi NSLĐ, đi ngược lại mong muốn ban đầu là tăng NSLĐ.
Tuy nhiên, TS. Hồ Đình Bảo - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế quốc dân lưu ý, khi đánh giá về NSLĐ của khu vực tư nhân, cần lưu ý đến đặc điểm và lịch sử phát triển của khu vực này. Sở dĩ khu vực tư nhân của Việt Nam có NSLĐ thấp so với các nước trong khu vực là vì có lịch sử phát triển ngắn, chưa có nhiều thời gian để tích lũy.
Còn theo PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, NSLĐ thấp là do môi trường kinh doanh, quản lý nhà nước, cường độ vốn, trang bị tư bản và tích lũy của chúng ta còn kém. Từ đó, Việt Nam cần sự cải cách về NSLĐ trong thời gian tới, trong đó, khâu cải cách đột phá nhất phải nằm trong quản lý nhà nước, tạo dựng môi trường kinh doanh, cũng như đặt khu vực DN tư nhân vào vị trí cốt lõi, vì khu vực này sử dụng lao động nhiều nhất và có khả năng hấp thụ lao động nhiều nhất trong tương lai. Việc cải thiện, tăng cường sức mạnh của khu vực này sẽ giúp chúng ta nâng cao NSLĐ của cả nền kinh tế.
Để cải thiện NSLĐ của khu vực FDI, PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Chính phủ cần chú trọng chất lượng của dòng vốn FDI thay vì số lượng; tăng cường sự giám sát của cấp trung ương đối với địa phương trong thu hút FDI; thí điểm xây dựng một số khu công nghiệp sinh thái chế biến nông, thủy sản... Chính phủ, các bộ, ngành cần tổ chức các cuộc đối thoại, trao đổi với các tập đoàn FDI lớn để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, thay vì nhập khẩu.
Theo PGS. TS. Nguyễn Đăng Minh - Phó Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc thay đổi tư duy về nâng cao NSLĐ còn phải từ hộ gia đình, kể cả những người không tham dự vào quá trình sản xuất kinh doanh như trẻ em. Mọi người dân cần thay đổi phong cách sống, thói quen ngăn nắp, gọn gàng, có kỷ luật lao động, làm việc chuyên nghiệp... Kinh nghiệm của Singapore hay Nhật Bản là bài học đáng suy ngẫm.
TS. Hồ Đình Bảo cho rằng, đã đến lúc xác định tăng NSLĐ là vấn đề sống còn của quốc gia, cần tạo nên một phong trào tăng NSLĐ với quyết tâm của cả hệ thống chính trị.