Tăng “sức đề kháng” cho DNNVV, cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự báo nền kinh tế năm 2023 phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương cần tập trung triển khai các giải pháp để hỗ trợ, tăng “sức đề kháng” cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - chủ thể chiếm 98% tổng số DN Việt Nam.
Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn với đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Nhã Chi
Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn với đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Nhã Chi

Lo lắng “sức khỏe” của DNNVV

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, dù chiếm số lượng áp đảo và có một số tiến bộ trên thương trường, nhưng chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, khối DNNVV đã từng bước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu nhưng chủ yếu vẫn ở những giai đoạn tạo ra giá trị gia tăng thấp trong toàn chuỗi. Nhiều DN còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn. Tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các DN Việt Nam còn chưa cao, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn.

Về việc triển khai các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV, đặc biệt sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành, Bộ KH&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ và tác động của các chính sách hỗ trợ chưa đạt như kỳ vọng.

Từ góc nhìn của mình, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, tuần trước, VCCI có buổi làm việc với đại diện 30 ngành hàng lớn trong nước, tại đó, nhiều DN rất quan ngại, lo lắng về bối cảnh giai đoạn tới. Cũng theo ông Tuấn, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn với đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đặc biệt là các DNNVV do “sức đề kháng” còn hạn chế.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện một DNNVV chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm cột ăng ten bộc bạch, DN đang “điêu đứng” vì dòng tiền gặp khó khăn do bán hàng chậm lại, lãi suất ngân hàng tăng cao, buộc lòng DN phải cho một bộ phận công nhân nghỉ việc… Khó khăn xảy ra trên diện rộng DNNVV khi nhìn vào con số Tổng cục Thống kê công bố: 10 tháng đầu năm 2022, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66,4 nghìn DN, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước; 40,3 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,2%; 15,4 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,4%. Bình quân một tháng có 12,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường…

Giải pháp giúp DNNVV bớt khó

Để hỗ trợ DN, đặc biệt là các DNNVV vượt qua khó khăn, thách thức, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai các giải pháp để hỗ trợ, tăng “sức đề kháng” cho DN.

Cụ thể, cần tiếp tục đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, tập trung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo trực tiếp tại DN và qua hệ thống đào tạo trực tuyến e-learning; tăng cường hỗ trợ tư vấn cho các DNNVV, tập trung vào các nội dung tái cấu trúc tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị bền vững; ưu tiên đối tượng DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tập trung vào một số ngành lợi thế như: công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; dệt may, da giầy; sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh của DN…

Cũng theo Bộ KH&ĐT, trong khuôn khổ các hoạt động triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực nội tại nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới đối với các thành phần kinh tế. Cụ thể là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; khuyến khích và hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị, mạng sản xuất; hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới…

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa là giải pháp quan trọng để hỗ trợ DN, nhất là trong bối cảnh kinh tế năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức. Cải cách không đơn thuần là vấn đề mặt thủ tục, thời gian, mà cả chất lượng thể chế nhằm hạn chế rủi ro, giúp DN an tâm đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục