Tăng theo chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á gần đỉnh 3 tuần

Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay (11/5)...
Giới đầu tư chứng khoán tại khu vực châu Á lạc quan trong phiên giao dịch sáng thứ Sáu - Ảnh: Reuters.
Giới đầu tư chứng khoán tại khu vực châu Á lạc quan trong phiên giao dịch sáng thứ Sáu - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay (11/5), trong khi đồng USD giảm giá khá mạnh vào đêm qua. Giới đầu tư lạc quan khi số liệu lạm phát yếu hơn dự kiến của Mỹ giảm bớt kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất trong năm nay.

Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, các nhà đầu tư cũng yên tâm hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông rất hy vọng "sẽ làm được điều gì đó rất ý nghĩa" để kiềm chế các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên tại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Những dấu hiệu rõ ràng về sự tan băng trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, cộng thêm khả năng hầu hết các nền kinh tế phát triển tiếp tục giữ chính sách tiền tệ nới lỏng đang giúp làm gia tăng sự ham thích rủi ro của các nhà đầu tư. Tuy vậy, thị trường vẫn ít nhiều lo ngại về mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở khu vực Trung Đông.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản bước sang phiên tăng thứ hai liên tục, lên gần mức cao nhất trong 3 tuần.

Chỉ số Nikkei của chứng khoán Nhật Bản tăng 0,7%, trong khi chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc tăng 0,6%. Chứng khoán Australia và chứng khoán New Zealand cùng tăng 0,2%.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm, với chỉ số Dow Jones tăng 0,8%, chỉ số Nasdaq tăng 0,89%, và chỉ số S&P 500 tăng 0,9%. Trong đó, S&P 500 đã vượt qua ngưỡng cản then chốt 2.717 điểm.

Thống kê cho thấy áp lực lạm phát ở Mỹ vẫn giữ ở mức thấp. Bởi vậy, các nhà đầu tư giảm bớt nỗi lo về việc FED sẽ tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn trong năm 2018. Năm nay, FED đã nâng lãi suất một lần vào tháng 3 và được dự báo sẽ có hai lần tăng nữa trong thời gian còn lại của năm.

Tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,2%, so với mức dự báo tăng 0,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trong đó, nhóm y tế giảm giá nhẹ giúp bù đắp cho sự tăng lên của giá xăng và giá thuê phòng.

Đồng USD đã có phiên giảm giá mạnh nhất so với các đồng tiền chủ chốt khác kể từ cuối tháng 3 trong phiên ngày thứ Năm tại New York.

Đồng Bảng Anh chạm đáy 4 tháng so với đồng USD sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) giữ nguyên lãi suất cơ bản. Trong phiên châu Á sáng nay, đồng Bảng hồi phục về mức 1,3517 USD/Bảng, so với mức đáy 1,3457 USD/Bảng thiết lập vào hôm thứ Năm.

Tốc độ tăng giá chậm lại ở các nền kinh tế lớn gần đây đã dẫn tới những kỳ vọng rằng hầu hết các ngân hàng trung ương lớn, ngoại trừ FED, sẽ tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng để kích thích tăng trưởng.

"Tâm lý ham thích rủi ro đã gia tăng từ đêm qua, với lạm phát của Mỹ yếu và BoE không thay đổi lãi suất. Cả FED và BoE đều có thể sẽ chậm rãi trong vấn đề tăng lãi suất", các nhà phân tích của ANZ viết trong một báo cáo. "Môi trường lạm phát/lãi suất kiềm chế là có lợi cho chứng khoán".

Sáng thứ Sáu, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác phục hồi nhẹ sáng nay. Tỷ giá Euro so với USD hầu như không thay đổi ở mức 1,1915 USD/Euro. Tỷ giá đồng Yên so với USD giảm nhẹ, còn 109,52 USD/Euro.

Dollar Index lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam đứng ở mức 92,666 điểm, so với mức đỉnh 93,42 điểm đạt được trong tuần này.

Giá dầu thô giữ gần mức đỉnh của 3 năm rưỡi do lo ngại xung quanh việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York có thời điểm tăng 0,14 USD/thùng so với đóng cửa phiên Mỹ hôm qua, lên 71,5 USD/thùng. Giá dầu Brent sáng nay có lúc đạt mức 78 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.

Tin cùng chuyên mục