Tăng tính minh bạch để dòng tiền chọn trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một bước tiến lớn trên thị trường vốn là đưa vào vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) ngày 19/7/2023, không chỉ giúp giao dịch TPDNRL trở nên thuận tiện hơn, mà còn giúp minh bạch về kỳ hạn, số lượng, giá cả của trái phiếu. Tuy nhiên, để thị trường quy mô 1,2 triệu tỷ đồng này thực sự phát huy vai trò kênh dẫn vốn trung - dài hạn, việc tăng tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp được đánh giá là yếu tố then chốt.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có trách nhiệm giám sát quá trình công bố thông tin của các thành viên tham gia Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ảnh: Lê Tiên
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có trách nhiệm giám sát quá trình công bố thông tin của các thành viên tham gia Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ảnh: Lê Tiên

Phạt doanh nghiệp mù mờ thông tin

Trước đây, khi chưa vận hành Hệ thống giao dịch TPDNRL, giao dịch giữa các trái chủ diễn ra trong phạm vi riêng lẻ của các công ty chứng khoán với nhiều giao dịch thiếu minh bạch như chia nhỏ kỳ hạn trái phiếu, giao dịch trái phiếu với nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Sự ra đời của Hệ thống giao dịch TPDNRL giúp cải thiện tính minh bạch về kỳ hạn, số lượng, giá cả của trái phiếu, đồng thời đảm bảo chỉ tài khoản nhà đầu tư chuyên nghiệp mới có thể giao dịch TPDNRL.

Rủi ro trong khâu thanh toán cũng được giảm bớt với sự tham gia của Trung tâm Lưu ký chứng khoán và ngân hàng thanh toán Vietcombank. Tuy nhiên, hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp vẫn là điều đáng bàn.

Mới đây, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã có quyết định xử phạt 77,5 triệu đồng đối với Công ty CP Đầu tư Phát triển - Xây dựng (DIC) số 2 do không gửi Báo cáo tài chính năm 2020, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020 cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Trước đó, vào ngày 25/7, SSC đã có quyết định xử phạt 85 triệu đồng đối với Công ty CP Chứng khoán SmartInvest do không thực hiện công bố Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020 và 6 tháng năm 2021... Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn bị xử phạt 77,5 triệu đồng do vi phạm quy định về hoàn thành việc phân phối trái phiếu mã AASH2124001 trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu.

Do có hành vi vi phạm thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ khi chưa được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho phép thực hiện, SSC đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Vinam. Cụ thể, ngày 11/1/2021, Vinam hoàn thành đợt chào bán 8,25 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Ngày 29/3/2021, HĐQT Công ty thông qua Nghị quyết số 2903/2021/NQHĐQT/CVN về việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán nêu trên theo ủy quyền của Đại hội đồng cổ đông và đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 về việc sử dụng hết 100% số tiền thu được từ đợt chào bán tại Nghị quyết số 25/2021/CVN ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, ngày 10/1/2022, HĐQT Công ty tiếp tục thông qua Nghị quyết số 1001/2022/NQHĐQT/CVN về việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán nêu trên nhưng không được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền.

Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng vi phạm công bố thông tin trong lĩnh vực chứng khoán thời gian qua như Công ty CP Điện mặt trời VKT - Hòa An, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Trung Tây Nguyên, Công ty CP Vissai Ninh Bình, Công ty CP Văn phòng phẩm Hải Phòng…

Nhà đầu tư khó “xuống tiền” nếu doanh nghiệp không minh bạch

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, rất nhiều doanh nghiệp công bố thông tin với nội dung chung chung như lợi nhuận giảm do doanh thu giảm, doanh thu giảm do bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn… Những thông tin kiểu này đối với nhà đầu tư không có ý nghĩa, dẫn đến khó có thể xây dựng mối quan hệ dài hạn giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư liệu có bỏ tiền đầu tư trái phiếu kỳ hạn 5 - 7 năm với thông tin thiếu minh bạch? Làm sao nhà đầu tư biết được khả năng trả nợ của doanh nghiệp với chất lượng thông tin như hiện nay? Rất mong doanh nghiệp cải thiện để thông tin đi vào thực chất, giúp nhà đầu tư hiểu được tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán không phải to hay nhỏ, mà là có minh bạch hay không để nhà đầu tư ra quyết định”, ông Thuân chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, sau khi Hệ thống giao dịch TPDNRL được vận hành, giá trị giao dịch tuần đầu tiên ở mức 2.000 tỷ đồng. Theo quy định, sau 3 tháng vận hành, tất cả các TPDNRL mới buộc phải đăng ký giao dịch. Khi các TPDNRL đã được giao dịch trên Hệ thống sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, thanh khoản tốt hơn và tác động ngược trở lại thị trường sơ cấp. Nhà đầu tư có nhiều thông tin trước khi đưa ra quyết định đầu tư, ngoài tình hình tài chính của doanh nghiệp sẽ có thêm thông tin về số lượng, thị giá trái phiếu. Hệ thống này ra đời kỳ vọng là kênh dẫn vốn tốt, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. HNX sẽ có trách nhiệm bảo đảm hệ thống giao dịch tốt, bảo đảm an toàn, thông suốt và giám sát quá trình công bố thông tin của các thành viên tham gia thị trường.

Tin cùng chuyên mục