Tăng tốc, bứt phá trong năm về đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Với phương châm hành động "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%, phấn đấu cao hơn. Tiếp đà của năm 2024, nhiều địa phương cũng thể hiện quyết tâm cao trong năm nay với mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hai con số.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân (phấn đấu khu vực này đóng góp khoảng 65 - 70% GDP). Ảnh: Song Lê
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân (phấn đấu khu vực này đóng góp khoảng 65 - 70% GDP). Ảnh: Song Lê

Những địa phương phấn đấu tăng trưởng hai con số

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến sáng 8/1/2025, lãnh đạo nhiều địa phương chia sẻ những mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, Hải Dương xác định 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, trong đó tăng trưởng GRDP phấn đấu đạt trên 12% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu, trước mắt Tỉnh quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài. Đồng thời, khắc phục triệt để các dự án chậm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa các dự án, công trình vào hoạt động, không để tiếp tục xảy ra lãng phí...

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam thông tin, Tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP 2025 đạt 13 - 14%, tập trung hoàn thành sắp xếp bộ máy ngay trong quý I/2025, lãnh đạo thực hiện nghiêm túc công cuộc chống lãng phí; tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ của Tỉnh để tái khởi động Dự án Nhà máy điện hạt nhân…

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, năm 2025, Lào Cai tập trung ưu tiên phát triển kinh tế với mục tiêu cao, phấn đấu tăng trưởng hai con số, quyết liệt chuyển đổi số, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, sắp xếp bộ máy và chống lãng phí.

Lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Tây Ninh, TP. Huế cũng khẳng định phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Với 2 cực tăng trưởng của cả nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2025, TP.HCM xác định là năm tăng tốc để về đích, phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chuẩn bị kế hoạch và triển khai các điều kiện cần thiết để bước vào nhiệm kỳ mới cũng với mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Trong các nhóm nhiệm vụ, Thành phố sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 137/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chỉ thị số 19/CT-UBND của UBND Thành phố, trong đó, nâng cao kỷ cương hành chính, tập trung tháo gỡ các dự án, công trình tồn đọng, bao gồm cả công và tư, huy động ít nhất 620.000 tỷ đồng để bảo đảm được tăng trưởng từ 10% trở lên. Lãnh đạo TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch hai hội đồng vùng kinh tế rất quan trọng là Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng và Hội đồng vùng Đông Nam Bộ nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phát huy liên kết vùng, phát huy nguồn lực của 2 vùng. Nếu làm tốt thì 2 vùng này sẽ đóng góp trên 50% GDP của cả nước, giúp đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, năm 2025, UBND Thành phố sẽ tập trung quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu phát triển cao nhất, với tinh thần Hà Nội sẵn sàng tâm thế, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế "xin - cho" và tư duy bao cấp
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế "xin - cho" và tư duy bao cấp

Huy động nguồn lực xã hội bằng chính sách đột phá

Quyết tâm tăng trưởng cao của các địa phương củng cố khả năng đạt mục tiêu của cả nước trong năm tăng tốc về đích. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh như các thành phố lớn, địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.

Nêu bật chủ đề của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025, cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. “Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng chỉ ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cần nhanh chóng triển khai. Trong đó, phải xây dựng các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đồng thời tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây, quang điện tử, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, năng lượng sạch...). Xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân (phấn đấu khu vực này đóng góp khoảng 65 - 70% GDP)…

Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai hiệu quả tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế - "đột phá của đột phá", giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài trong các lĩnh vực ở các địa phương, đặc biệt là các dự án bất động sản, các dự án liên quan đất đai, tài sản công, các dự án điện năng lượng tái tạo, các dự án tại Hà Nội, TP.HCM. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; nghiên cứu khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm; tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Triển khai hiệu quả Đề án đào tạo 50 - 100 nghìn kỹ sư bán dẫn…

Thực hiện chính sách "khoán tăng trưởng"

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, chúng ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong hoàn cảnh đầy "sóng to, gió lớn", thậm chí có thời điểm là "bão tố" ở cả bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, coi trọng chất lượng tăng trưởng và phấn đấu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, cần đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế "xin - cho" và tư duy bao cấp. Cần phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động, và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu. Nhà nước phải bảo vệ quyền tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số quốc gia cần được đẩy mạnh, phát triển kinh tế số và tăng cường kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Hoàn thiện cơ chế thử nghiệm (sandbox) để hỗ trợ phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Thực hiện chính sách "khoán tăng trưởng" cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tạo sự năng động, sáng tạo để các địa phương tự tìm cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng hai con số, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cả nước.

Tin cùng chuyên mục