Trong 10 năm từ 2005 - 2015 đã huy động được 45 tỷ USD vốn ODA, trong đó cho vay lại 15 tỷ USD, 30 tỷ USD là cấp phát. Ảnh: Tường Lâm |
Theo Bộ Tài chính, các chỉ tiêu nợ 2017 nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép với nợ công/GDP khoảng 61,4%, nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng 9% GDP. Dự kiến các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục đảm bảo trong năm 2018, riêng nợ được Chính phủ bảo lãnh sẽ giảm nhẹ theo xu hướng giảm của năm 2017 (dư nợ Chính phủ bảo lãnh đến cuối năm 2017 giảm xấp xỉ 500 triệu USD so với năm 2016).
Tuy nhiên, mối lo về hiệu quả sử dụng vốn vay vẫn luôn thường trực. Theo ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án ODA kém hiệu quả, lãng phí là việc coi ODA như vốn cho không, chủ yếu là cấp phát, tỷ lệ CVL còn thấp, các địa phương không chịu áp lực trả nợ. Ông Cường cho rằng phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển từ cấp phát sang CVL.
Các quy định về CVL vốn vay nước ngoài của Chính phủ đã được quy định tại Luật Quản lý nợ công 2009 và Nghị định 78/2010/NĐ-CP (NĐ 78). Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trước yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay thì các điều kiện về CVL vốn vay nước ngoài của Chính phủ cần phải chặt chẽ hơn. Luật Quản lý nợ công 2017 đã siết chặt điều kiện được vay lại đối với UBND cấp tỉnh; điều kiện CVL đối với doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập chi tiết và chặt chẽ hơn. Đồng thời, bổ sung quy định về đối tượng, phương thức, quy trình quản lý CVL vốn vay nước ngoài.
Theo NĐ 97, tỷ lệ cho vay lại đối với địa phương từ 30 đến 50% tùy tỷ lệ trợ cấp từ ngân sách trung ương trong tổng chi ngân sách địa phương. Với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, tỷ lệ cho vay lại là 70%, đối với Hà Nội và TP. HCM tỷ lệ cho vay lại là 100%.
Đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và đầu tư thì tỷ lệ vay lại 100%; đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và một phần kinh phí đầu tư thì tỷ lệ vay lại là 50%.
Doanh nghiệp được vay lại 100% nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án.
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong 10 năm từ 2005 - 2015 đã huy động được 45 tỷ USD vốn ODA, trong đó cho vay lại 15 tỷ USD, 30 tỷ USD là cấp phát. 15 tỷ USD cho vay lại gần như là Nhà nước chịu rủi ro tín dụng, rủi ro tỷ giá. Các ngân hàng làm nhiệm vụ ủy quyền cho vay lại chỉ có việc giải ngân, thu nợ, được hưởng phí nhưng lại không chịu rủi ro. Với quy định mới, Nhà nước chỉ chịu rủi ro tín dụng đối với các khoản vay lại của các chương trình cần ưu tiên của Chính phủ, cho vay lại thông qua hệ thống ngân hàng chính sách của Nhà nước.
Ông Trương Hùng Long cho rằng, khi các ngân hàng thương mại phải chịu rủi ro tín dụng với các khoản vay về CVL thì các ngân hàng sẽ ứng xử với các dự án sử dụng vốn vay lại giống như nguồn của ngân hàng huy động đem cho vay. Từ đó, ngân hàng thương mại sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn, chủ động thực hiện đánh giá, thẩm định dự án, giải ngân, thu nợ, kiểm soát tài sản đảm bảo, xử lý rủi ro. Các khoản vay sẽ tiến sát hơn với các nguyên tắc tín dụng thông thường. Về phía các đơn vị được CVL, khi tính chất của khoản vay mang tính thương mại nhiều hơn, sát thị trường hơn, cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, thì chính các đơn vị được cho vay lại cũng sẽ phải tính toán thận trọng hơn khả năng hoàn trả, hiệu quả, rủi ro.