Tăng trưởng kinh tế trên đà bứt tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2024 vượt mục tiêu đề ra, ước tính ở mức 7,09%, cao thứ 4 trong giai đoạn 2011 - 2024, chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2018, 2019 và 2022. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đây là tiền đề quan trọng để năm 2025, nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Sản xuất công nghiệp có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2020 đến nay. Ảnh: Lê Tiên
Sản xuất công nghiệp có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2020 đến nay. Ảnh: Lê Tiên

Điểm sáng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 với GDP quý IV/2024 tăng 7,55% so với cùng kỳ 2023. Tính chung cả năm 2024, GDP ước tăng 7,09%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% đã đề ra. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 3,27 điểm phần trăm; khu vực thương mại, dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 3,58 điểm phần trăm.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2020 đến nay, dù phần nào chịu thiệt hại do tác động của bão Yagi. Sự kết hợp giữa phục hồi nhanh và yếu tố nền so sánh thấp của năm trước (3 quý đầu năm 2023 tăng trưởng thấp) đã tạo ra mức tăng trưởng cao cho toàn ngành công nghiệp trong năm 2024.

Với ngành xây dựng, giá trị tăng thêm quý IV và cả năm 2024 lần lượt là 8,33% và 7,87% (cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2023). Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kết cấu hạ tầng; lãi suất ngân hàng giảm làm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Bà Mai Hạnh nhấn mạnh, xuất khẩu hàng hóa là điểm nhấn quan trọng trong xu hướng tăng trưởng. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 14,3%, được hỗ trợ lớn từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN phục hồi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng là điểm sáng, hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, là động lực góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2024. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI năm 2024 tăng 10,6% so với năm trước đó, cao hơn rất nhiều mức tăng 5,4% năm 2023. Đầu tư có xu hướng tăng nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi và các nhà đầu tư lạc quan hơn trong đầu tư vào các dự án cho thấy niềm tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam...

Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI năm 2024 tăng 10,6% so với năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh
Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI năm 2024 tăng 10,6% so với năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh

Tăng tốc, bứt phá, về đích kế hoạch 5 năm 2021 - 2025

Kết quả của năm 2024 là rất tích cực, tạo tiền đề để Chính phủ quyết liệt và mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, thậm chí cao hơn, đó là tăng trưởng 2 con số theo Công điện được Thủ tướng Chính phủ đưa ra trước thềm năm mới 2025.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ, tăng trưởng cao là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam được dự báo còn nhiều yếu tố bất định, khó khăn, thách thức lớn hơn thuận lợi. Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu lớn là cần thiết để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, để bước vào kỷ nguyên mới thì tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng. Hơn nữa, chúng ta đang hướng đến các mục tiêu cường thịnh vào các dấu mốc quan trọng của đất nước - năm 2030 và năm 2045. Muốn đạt được các mục tiêu dài hạn như vậy, cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ, bắt đầu từ việc đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao năm 2025.

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết, kinh tế Việt Nam trong năm 2025 dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, bên cạnh những thuận lợi sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đan xen khi các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là về giá thành, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và công nghệ. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, nhất là về công nghệ, quản lý, nguồn nhân lực và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, xu thế bảo hộ thông qua các rào cản kỹ thuật, quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng đổi mới công nghệ và chuyển đổi số để không bị tụt hậu. Hạ tầng logistics và chuỗi cung ứng của Việt Nam mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế và chưa thực sự hiệu quả, chi phí vẫn ở mức cao và thời gian vận chuyển chưa tối ưu. Chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu, chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, việc đầu tư vào công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất bền vững vẫn chưa đạt mức cần thiết.

Đối với kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho biết, Tổng cục Thống kê đang phối hợp với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ủy ban nhân dân xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế theo những mức độ khác nhau, từ kịch bản cơ sở (theo quyết nghị của Quốc hội) đến các kịch bản phấn đấu và kịch bản phấn đấu cao nhất. Các kịch bản cụ thể sẽ tính toán điều kiện đầu vào, nguồn lực cụ thể để xác định được kịch bản nào là khả thi và có thể phấn đấu đạt được.

Tin cùng chuyên mục