Doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn về vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Ảnh: Lê Tiên |
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và khu vực tư nhân tiếp tục là một động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, vẫn còn những rào cản phải gỡ bỏ.
Giảm dần trở ngại
Kết quả điều tra DNNVV năm 2015 cho thấy, quá trình chính thức hóa các cơ sở kinh doanh giai đoạn 2013 - 2015 đã có bước tăng đáng kể. Khoảng 96% số DN chưa đăng ký chính thức trong điều tra năm 2013 đã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và mã số thuế trong điều tra 2015. Tỷ lệ DN thực hiện đầu tư đã tăng lên so với điều tra năm 2013. Trong các khoản đầu tư của DNNVV, tỷ lệ nguồn vốn tự có tăng mạnh. Điều này cho thấy, tiếp cận tín dụng chính thức vẫn là một trở ngại lớn đối với khu vực DN này.
DNNVV vẫn chưa coi đa dạng hóa sản phẩm là một công cụ để giảm rủi ro, khi chỉ có khoảng 11% DN sản xuất từ 2 loại sản phẩm trở lên. DNNVV đã quan tâm hơn tới phát triển sản phẩm mới, nhưng lại có sự giảm sút về tỷ lệ đổi mới thông qua cải tiến sản phẩm hiện có. Trong khi đó, các DN có hoạt động đổi mới có lợi nhuận và doanh thu cao hơn. Một điểm đáng lo ngại là tỷ lệ DN áp dụng đổi mới công nghệ đã giảm so với điều tra năm 2013.
Một hạn chế khác của DNNVV Việt Nam là kém năng động ở thị trường nước ngoài, khi không nhiều DN nhỏ có hoạt động xuất khẩu. Báo cáo cũng chỉ ra sự hạn chế trong tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và môi trường với tất cả các nhóm DN.
Kết quả điều tra trong báo cáo này cũng cho thấy, tỷ lệ DN phải chi những khoản phí không chính thức giảm không đáng kể, từ 45% năm 2013 xuống còn gần 43% trong năm 2015. GS. Finn Tarp, Đại học Liên hợp quốc (UNU - WIDER) nhấn mạnh: “Những khoản chi phí không chính thức đang làm méo mó, thui chột sức khỏe của DNNVV Việt Nam”.
Thay đổi để DNNVV lớn lên
Cụ thể, cần có chính sách tăng khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV và những nỗ lực hình thành các chương trình, dự án phù hợp cung cấp tín dụng cho DNNVV trên phạm vi cả nước, cả ở hai phía cung cầu. Chính phủ cũng cần nhắm tới việc tăng cường khả năng đổi mới công nghệ (cả ở sản phẩm và quy trình sản xuất). Đặc biệt, Báo cáo đề cập đến việc phải hình thành khung chính sách để tháo gỡ những phát sinh tiêu cực từ thị trường như vấn đề thông đồng, độc quyền hóa và bất công để đạt được những lợi ích phù hợp thông qua những phát minh, sáng kiến công nghệ.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, DN phải nghiên cứu điều chỉnh hành vi của mình, tập trung vào đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Mặt khác, chính sách hỗ trợ DNNVV cần tập trung theo chiều sâu hơn, sử dụng nguyên tắc của thị trường. Theo ông Hiếu, những thông tin trong Báo cáo có thể giúp các cơ quan hoạch định chính sách nhìn nhận một cách tổng thể, toàn diện hơn về hệ thống chính sách hỗ trợ DNNVV, từ đó đưa ra những biện pháp thích hợp nhất.