Tạo đà phục hồi, tăng tốc phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền kinh tế Việt Nam đã, đang thể hiện sức bật mạnh mẽ, tạo đà cho sự phục hồi, tăng tốc trong thời gian tới. Nhận định năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ vô cùng nặng nề, Chính phủ xác định tận dụng mọi cơ hội, tiếp tục đổi mới, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy 81,7% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình quý I/2022 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021. Ảnh: Lê Tiên
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy 81,7% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình quý I/2022 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021. Ảnh: Lê Tiên

Sức bật mạnh mẽ, tạo đà hồi phục

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, nhờ việc ban hành Nghị quyết 128, qua rà soát về số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy rằng diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi kinh tế của Việt Nam là hình chữ V, từ mức giảm của quý III rất sâu, nhưng đến quý IV đã phục hồi trở lại hơn 5,22%. Mô hình này cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, với những xu hướng lớn của thế giới là phục hồi kinh tế, sống chung với Covid-19, kinh tế xanh và chuyển đổi số, Việt Nam đã không bị lỡ nhịp, thậm chí đang bắt nhịp rất chính xác. Đồng thời, tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra từ các xu hướng đó để góp phần phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững và tiếp tục thành công trong quá trình chống lại đại dịch Covid-19.

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng cho thấy dấu hiệu lạc quan với 81,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình quý I/2022 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.

Theo nhiều ý kiến, sức bật của nền kinh tế thể hiện trong quý cuối cùng của năm 2021 sẽ tạo lực đẩy rất mạnh mẽ cho năm 2022.

Tiếp tục đổi mới, hành động quyết liệt, hiệu quả

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vừa diễn ra ngày 5/1/2021, Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển; xã hội trật tự và kỷ cương; chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được ổn định; nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Sau Hội nghị, Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã được Chính phủ ban hành. Với phương châm điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

Trong số các nhiệm vụ, giải pháp tại NQ, Chính phủ yêu cầu tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022. Mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chính phủ yêu cầu triển khai nhất quán, nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông hàng hóa, lao động trở lại sản xuất; thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm vaccine… Triển khai kịp thời các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi, phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Theo nhiều chuyên gia, dù triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 khá lạc quan, tuy nhiên, muốn đạt được tăng trưởng như kỳ vọng sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào việc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có được thực thi kịp thời, hiệu quả.

Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp bất thường, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi mỗi chúng ta phải phát huy trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng hết sức mình vào thành công chung.

Để tận dụng tốt nhất các cơ hội phục hồi, phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật; giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển...

Tin cùng chuyên mục