Tạo đột phá trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua 5 tháng, có gần 149 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được đưa vào nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Từ giờ đến cuối năm, còn lượng vốn rất lớn cần giải ngân, đòi hỏi duy trì những giải pháp quyết liệt đã, đang thực hiện, nhất là với những bộ, cơ quan, địa phương đang có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước.
Thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/5/2024 ước đạt 148.284,757 tỷ đồng, tương đương 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên
Thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/5/2024 ước đạt 148.284,757 tỷ đồng, tương đương 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/5/2024 là 148.284,757 tỷ đồng, đạt 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương cùng kỳ năm 2023 (22,22%). Riêng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có tỷ lệ ước giải ngân tốt, đạt 61,93% kế hoạch, trong đó của các bộ, cơ quan trung ương đạt 81,44%.

Thông tin tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đạt 22,34% kế hoạch được giao, có thể nói là mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Phó Thủ tướng nhận định, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ.

Trong bức tranh chung, một số bộ, địa phương có tỷ lệ và số vốn giải ngân cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là một trong những cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong 5 tháng. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, vốn kế hoạch năm 2024 của Bộ là 9.935 tỷ đồng, đến 31/5/2024 đã giải ngân đạt 41,8% kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, kết quả này có được nhờ nhiều giải pháp đồng bộ. Lãnh đạo Bộ chỉ đạo sát sao trong quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho từng dự án; quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong quá trình thực hiện. Bộ NN&PTNT thường xuyên rà soát vướng mắc, khó khăn của từng dự án, chủ đầu tư để kịp thời gỡ vướng. Phối hợp chặt chẽ với địa phương để triển khai các dự án, hợp phần đền bù hỗ trợ, tái định cư; chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn linh hoạt giữa các dự án chậm giải ngân sang những dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn; đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng và khen thưởng cá nhân/đơn vị có thành tích, phê bình nghiêm túc các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp.

Ông Nam cũng cho biết, một yếu tố quan trọng giúp đạt kết quả giải ngân tốt nữa là Bộ thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; 100% các gói thầu xây lắp và tư vấn của Bộ thuộc diện đấu thầu rộng rãi đều triển khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Có 10 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 đạt trên 25% kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên

Có 10 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 đạt trên 25% kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên

Từ những chia sẻ của đại diện Bộ NN&PTNT, có thể thấy công tác tổ chức thực hiện đóng vai trò rất quan trọng trong giải ngân vốn đầu tư công.

Thực tế, trên cùng một mặt bằng chính sách, theo số liệu của Bộ Tài chính, bức tranh giải ngân giữa các bộ, ngành, địa phương đang có sự đối nghịch. Theo đó, có 10 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 cao (trên 25% kế hoạch Thủ tướng giao). Tuy nhiên, vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (22,34%), trong đó, đặc biệt có 4 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 (tỷ lệ giải ngân là 0%).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã công khai danh sách các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả nước trên cổng thông tin điện tử của Bộ.

Tổng hợp từ ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ KH&ĐT cho biết, có nhiều nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Về nguyên nhân khách quan và đặc thù của đầu tư công, nguồn vốn thường tập trung giải ngân vào cuối năm, các tháng đầu năm chủ yếu thực hiện công tác chuẩn bị, thủ tục lựa chọn nhà thầu, từ giữa và cuối năm mới tạm ứng, giải ngân nhiều. Nhiều địa phương cho biết gặp khó khăn do một số quy định về đầu tư công và pháp luật liên quan; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tình trạng thiếu đất, cát và nguyên, nhiên, vật liệu thi công…

Dù vậy, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh đến công tác tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần, chủ yếu thực hiện vào cuối năm. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm chưa tốt, chưa sát với khả năng thực hiện. Đến ngày 31/5/2024, vẫn còn 21/44 bộ, cơ quan trung ương và 36/63 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các nhiệm vụ, dự án với số vốn 29,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,4% kế hoạch Thủ tướng giao. Còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng mới đây đã có công điện gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đề nghị tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, với 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư dưới mức trung bình của cả nước, Bộ KH&ĐT đề nghị lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc thực hiện những giải pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, kiên quyết thực hiện việc điều chuyển đối với những cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục