Tạo dựng môi trường thúc đẩy chuyển đổi xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong cuộc chơi toàn cầu, ngoài giá và chất lượng sản phẩm thì các doanh nghiệp còn phải cạnh tranh bằng văn hóa, giá trị cống hiến cho xã hội, phát triển bền vững. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư nghiêm túc và thay đổi nhận thức về chuyển đổi xanh…
Chủ động chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giúp doanh nghiệp Việt có thêm nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Nhã Chi
Chủ động chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giúp doanh nghiệp Việt có thêm nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Nhã Chi

Chuyển đổi xanh để hội nhập sâu

Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc Secoin khoe, DN này vừa được vinh danh trong Top 3 Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 (môi trường - xã hội - quản trị) với chùm 7 sáng kiến ESG tích hợp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gạch ngói thân thiện với môi trường. Nhiều sản phẩm của Secoin (gạch bông, gạch nghệ thuật ngoài trời, gạch thông gió, bê tông nghệ thuật...) đã được xuất khẩu tới 60 nước trên khắp các châu lục.

Theo bà Hương, Secoin đã dành nhiều nguồn lực cho chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc triển khai các sáng kiến xanh thực sự là một thách thức lớn với Secoin, khi nhu cầu thị trường giảm và các doanh nghiệp phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt. Cùng một lúc, Công ty vừa phải vật lộn với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, vừa phải tìm cách chuyển đổi, làm mới mình (phát triển các sản phẩm theo hướng eco, tìm kiếm công nghệ, nguyên liệu mới…). Trong đó, chi phí chuyển đổi xanh là không nhỏ.

“Để tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu, Secoin xem đó là những khoản đầu tư dài hạn cho tương lai, cho sự phát triển bền vững của DN”, bà Hương nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất - Trưởng dự án Net Zero tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) chia sẻ, Vinamilk có 15 trang trại và 16 nhà máy ở trong và ngoài nước. Đến nay, Công ty đã hoàn thành kiểm kê khí nhà kính tại 100% nhà máy và áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 với 87% năng lượng xanh (năng lượng mặt trời, khí tự nhiên - CNG, Biomass) thay thế cho năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động sản xuất.

Sau 1 năm công bố kế hoạch Net Zero vào năm 2050, đến nay, Vinamilk đã có 3 đơn vị đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế (PAS 2060:2014), gần đây nhất là Nhà máy Nước giải khát Việt Nam (Bình Dương) với 3.410 tấn CO2e được trung hòa. Trước đó là Nhà máy Sữa Nghệ An và Trang trại bò sữa Nghệ An.

Từ ví dụ trên có thể thấy, cộng đồng DN Việt đang đứng trước những cơ hội phát triển vô cùng lớn. Việc chủ động chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giúp DN mở rộng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khi Việt Nam đang dần trở thành một mắt xích quan trọng, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Những hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu và hợp tác quốc tế.

Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp chưa cao

Chuyển đổi xanh/bền vững đã trở thành xu hướng quốc tế và là “mệnh lệnh” với DN Việt Nam. Ở cấp độ toàn cầu, các quốc gia lớn đã và đang dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 và 27 (COP26 và COP27) về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025...

Tuy nhiên, theo Báo cáo Mức độ sẵn sàng và khó khăn của DN trong chuyển đổi xanh vừa được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện, nhìn chung, mức độ sẵn sàng của DN Việt Nam chưa cao.

Cụ thể, trên 50% DN tham gia khảo sát đánh giá chuyển đổi xanh chưa thật sự cần thiết (bao gồm “Rất không cần thiết” (5,1%), “Không cần thiết” (12,3%) và “Bình thường” (33,9%)); 64% DN tham gia khảo sát chưa có sự chuẩn bị cho chuyển đổi xanh. DN ngành công nghiệp có tỷ lệ đánh giá về sự cần thiết chuyển đổi xanh là cao nhất với 54,1%, song phần lớn lại trả lời rằng “chưa có sự chuẩn bị gì” (55,6%).

Kết quả khảo sát của Ban IV cũng chỉ ra 3 khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải trong quá trình chuyển đổi xanh là nguồn vốn, nhân sự có kỹ thuật và các giải pháp để thực hiện chuyển đổi. Trong đó, vốn là vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt, vì trong khi DN rất cần vốn cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh để đón đầu các cơ hội, thì tài chính xanh chưa phát triển ương ứng. Sau hơn 10 năm, tài chính xanh có được triển khai ở Việt Nam nhưng quy mô vẫn nhỏ.

Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, những vấn đề lớn của DN là tiếp cận tín dụng (57%), kế đến là tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (35%)… Bên cạnh đó là khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính, chất lượng hạ tầng, biến động chính sách pháp luật, biến đổi khí hậu…

Hướng nào bồi đắp nội lực cho doanh nghiệp?

Theo bà Trần Thị Thu Trang, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất gia công và Nhập khẩu Hanel (Hanel PT), trong cuộc chơi toàn cầu, ngoài giá và chất lượng sản phẩm thì các doanh nghiệp còn phải cạnh tranh bằng văn hóa, giá trị cống hiến cho xã hội, phát triển bền vững. Khi đó, nhà mua hàng quốc tế chắc chắn sẽ lựa chọn DN phát triển ổn định và bền vững. Đây là giá trị cốt lõi, làm nên vị thế cho DN.

Để hỗ trợ DN thích nghi với cuộc chơi mới, Ban IV khuyến nghị Chính phủ thúc đẩy nhanh chóng các chương trình nâng cao năng lực; đồng thời có các chính sách tập trung thúc đẩy thị trường tài chính xanh, nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, thị trường tín chỉ carbon, chuyển đổi công nghệ và năng lượng.

Theo bà Võ Thị Liên Hương, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN xanh, sản phẩm xanh (hỗ trợ về thuế, ưu đãi đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu…). Đặc biệt, những mục tiêu và chính sách phải rõ ràng cho từng ngành nghề, từng địa phương, từng giai đoạn để tạo cho DN lộ trình chung hướng tới mục tiêu Net Zero 2050.

VCCI cho rằng, cách tiếp cận chính sách chuyển từ tháo gỡ khó khăn sang chủ động tạo thuận lợi cho hoạt động của DN, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN. Đồng thời cần sớm ban hành các chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của nền kinh tế như phát triển điện mặt trời mái nhà theo hướng tập trung cho các khu công nghiệp, nhà xưởng…

Xa hơn, để đạt được mục tiêu phát triển 2 triệu DN đến năm 2030, trong cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với các DN lớn, Thủ tướng đã kêu gọi những bước đi tiên phong, dẫn dắt sự phát triển của các ngành và cả nền kinh tế của những DN lớn, DN dân tộc.

Muốn làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm có cơ chế, chính sách đột phá tạo điều kiện xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ DN dân tộc và các DN lớn, đầu ngành của Việt Nam. Và để có được đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, tương xứng với một quốc gia phát triển vào năm 2045, thì cần xây dựng đội ngũ doanh nhân không chỉ đông và giỏi về năng lực lãnh đạo điều hành, mà còn phải có đạo đức kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục