![]() |
Cộng đồng doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước |
Các DN đang đóng góp khoảng 60% GDP
Cả nước đang quyết tâm nỗ lực với khát vọng tăng trưởng bứt phá trong năm 2025 để về đích kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 cũng như chuẩn chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Trong quá trình này, đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam, trong đó có các DN tư nhân được đánh giá là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, gần 40 năm Đổi mới, DN nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940.000 DN đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Một số DN phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Lực lượng DN ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước. Trong năm 2024, khối DN đã đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế đất nước”, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ này, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, DN vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả; phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị hạn chế…
“Mặc dù đã xuất hiện đội ngũ DN vừa và lớn, nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng; chưa có các dự án quy mô đủ lớn, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới, có tính dẫn dắt để tạo động lực bứt phá, có sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
![]() |
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng trưởng khoảng 11%/năm để GDP đạt mức tăng trưởng hai con số. Ảnh: Quý Bắc |
DN cần phấn đấu tăng trưởng hai con số
Bày tỏ ấn tượng, tự hào đối với sự phát triển của cộng đồng DN Việt Nam, trong đó có DN tư nhân, tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, khu vực tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số.
Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ mong muốn DN tư nhân với thực tiễn, kinh nghiệm, thành công cùng đam đam mê, nhiệt huyết, tinh thần cống hiến tiếp tục tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng; bao trùm, toàn diện, bền vững trong phát triển đất nước; đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo… góp sức vào hiện thực hóa mục tiêu chung của đất nước.
Để GDP tăng trưởng hai con số, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng trưởng khoảng 11%/năm. Để đạt được mục tiêu này, Bộ KH&ĐT đưa ra 6 định hướng và giải pháp, trong đó nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của DN tư nhân trong phát triển; tập trung hoàn thiện thể chế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN; xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển DN dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt…
Đặc biệt, các DN lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo động lực phát triển kinh tế; phát huy vai trò “DN dẫn đầu”, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các DN nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Doanh nghiệp cam kết, đồng lòng phấn đấu mục tiêu tăng trưởng cao
![]() |
Hòa Phát cam kết tăng trưởng 15% mỗi năm
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát
Hưởng ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số của đất nước giai đoạn 2025 - 2030, chúng tôi cam kết tăng trưởng 15% mỗi năm.
Thời gian qua, Hòa Phát đã đầu tư vào Quảng Ngãi 7 tỷ USD ở Khu kinh tế Dung Quất. Tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Theo đó, chúng tôi tự tin đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới…
---------------------
![]() |
Nuôi dưỡng, phát triển các DN dẫn dắt
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả
Để khu vực tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phần triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, cần tiếp tục tạo niềm tin để DN kiên định đồng hành cùng đất nước với việc giải quyết các bất cập từ thể chế chính sách, xử lý triệt để các dự án bị đình trệ, gây lãng phí.
Cùng với đó, cần đánh giá nghiêm túc các dự án của tư nhân về giá trị đầu tư, chất lượng, tiến độ thi công, chi phí… so với các dự án của khối Nhà nước để chọn lọc các DN làm tốt, tạo điều kiện để họ trở thành các con chim đầu đàn của ngành nhằm dìu dắt những DN khác cùng phát triển.
Đồng thời, tạo điều kiện để DN tư nhân xây dựng văn hóa trở thành “DN dân tộc” với sứ mệnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế…
Về phía Tập đoàn, thời gian qua, Đèo Cả không ngừng chú trọng phát triển, nâng cấp nguồn nhân lực, máy móc… và sẵn sàng đảm nhận những dự án lớn sắp tới của đất nước.
---------------------
![]() |
Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO
THACO đang cố gắng, nỗ lực để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao của đất nước năm 2025 cũng như giai đoạn tới với những định hướng, chiến lược rất rõ ràng mà Chính phủ đề ra.
Trong đó, đối với sản xuất ô tô, THACO đã giảm được chi phí và đặc biệt đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của khách hàng cũng như điều kiện sử dụng tại Việt Nam. Trong lĩnh vực cơ khí - công nghiệp hỗ trợ, THACO vừa nghiên cứu phát triển sản phẩm vừa tổ chức sản xuất. Dự kiến tháng 9/2025, chúng tôi sẽ khởi công Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô 700 ha. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.