Đường bay của tên lửa Triều Tiên hôm 29/8.
Triều Tiên hôm 29/8 phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 đạt độ cao tối đa 550 km, bay xa hơn 2.700 km và băng ngang qua bầu trời Nhật Bản trước khi rơi xuống bắc Thái Bình Dương. Dù quả đạn bị tách thành ba phần trong quá trình bay và tầm bắn cũng ngắn hơn nhiều so với mức tối đa 4.000 km, có nhiều dấu hiệu cho thấy chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng vừa đạt thêm bước tiến mới, theo 38 North.
Michael Elleman, chuyên gia tên lửa tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng ngoài việc thử phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, đợt phóng thử này của Triều Tiên còn nhằm đánh giá hiệu suất và độ tin cậy của tên lửa Hwasong-12 trong điều kiện vận hành thực tế.
Trước khi triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14, các kỹ sư Triều Tiên cần chứng tỏ được độ tin cậy khi phóng ở tầm bắn tối đa. Trước đây, hai loại tên lửa này thường được phóng theo quỹ đạo thẳng đứng với độ cao lớn và tầm bắn ngắn, đảm bảo đầu đạn và các bộ phận của tên lửa rơi xuống biển Nhật Bản, tránh bị Mỹ và đồng minh trục vớt nghiên cứu.
Tuy nhiên, để kiểm tra khả năng vận hành thực tế của tên lửa, Bình Nhưỡng buộc phải tiến hành các đợt phóng ở quỹ đạo chuẩn, đường bay giúp tên lửa đạt tầm bắn tối đa, để nghiên cứu khả năng của quả đạn. Vụ phóng hôm 29/8 đã thỏa mãn điều kiện này.
Việc tên lửa Hwasong-12 bay được 2.700 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương cũng là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể đã ngắt động cơ sớm hơn bình thường. Động cơ chỉ cần ngừng sớm 5 giây là đủ để quả đạn đạt tầm bay và độ cao như trong vụ phóng hôm 29/8.
Một giả thuyết cho rằng vụ phóng tên lửa Hwasong-12 này nhằm thử thiết bị tăng tốc cho đầu đạn (PBV). Có nhiều lý do khiến Triều Tiên bổ sung PBV cho tên lửa. Ngoài khả năng tăng tầm bắn, nó có thể điều chỉnh đường bay của đầu đạn sau khi động cơ chính bị ngắt.
PBV được kích hoạt khi các tầng đẩy đã tách rời. Đồ họa:NTI.
Báo cáo cho thấy quả đạn Hwasong-12 vỡ thành ba phần phù hợp với kịch bản động cơ PBV bị lỗi. Thông thường, ngay khi PBV tách khỏi tầng đẩy chính, động cơ của nó phải được kích hoạt để tăng tốc thiết bị hồi quyển đến quỹ đạo định trước.
Nếu thiết bị PBV bị lỗi và không kích hoạt được động cơ tăng tốc cho đầu đạn, cả ba thành phần gồm tầng đẩy chính của tên lửa, PBV và đầu đạn sẽ tách ra và bay theo quỹ đạo gần như giống nhau. Radar tầm xa sẽ thấy tên lửa tách thành ba phần riêng biệt ở cuối giai đoạn tăng độ cao mà không rõ lý do.
Không được thiết bị PBV tăng lực, đầu đạn và các bộ phận còn lại sẽ cùng rơi xuống biển cách bệ phóng khoảng 2.700 km, so với tầm 4.000 km khi PBV hoạt động chuẩn xác.
Hiện chưa thể biết chính xác vì sao tên lửa Hwasong-12 chỉ bay được 2.700 km. Tuy nhiên, nếu giả thuyết PBV được chứng minh, đó sẽ là một dấu hiệu nữa cho thấy quyết tâm của Bình Nhưỡng trong việc phát triển vũ khí đủ sức bao trùm lục địa Mỹ và các căn cứ quân sự chủ chốt của Washington trên Thái Bình Dương.